Khôn chết. Dại chết. Biết sống (Trang Tử)
Nhiều người cho rằng sống trên đời khôn ngoan một chút thì được thoải mái hơn một phần. Vậy nên ai cũng tranh tranh đoạt đoạt, cố giành phần lợi cho mình. Nhưng thông minh quá liệu có thực sự là chuyện tốt ?
Người đời hay nói 'Khôn sống, mống chết', xem ra câu ấy không phải lúc nào cũng thật đúng. Khôn ngoan, tài giỏi lắm thì thường gặp vạ. Cổ nhân nói:
'Anh hùng đa nạn, hồng nhan đa truân' là vậy.
Chuyện kể rằng, một hôm Trang Tử cùng học trò ra ngoài vân du, ngắm cảnh núi sông. Lúc lên núi chơi, họ bắt gặp mấy người tiều phu đứng bên cạnh một gốc cây to đùng, cành lá rườm rà, quặt quẹo. Mấy tiều phu nói với nhau: 'Cây này chẳng dùng vào việc gì được, tìm cây khác mà đốn vậy'. Trang Tử quay sang bảo với học trò:
'Cái cây này vì bất tài mà thoát chết vậy'.
Lúc sau, họ đi xuống một thôn làng dưới chân núi, vào nhà người quen thăm hỏi. Chủ nhà thấy Trang Tử đến thì mừng lắm, sai gia nhân đi chuẩn bị tiệc chiêu đãi cho mấy thầy trò. Gia nhân hỏi: 'Có hai con chim, một con biết gáy, một con không. Thịt con nào ạ ?'. Chủ nhà nói: 'Thịt con không biết gáy'.
Học trò ngơ ngác nhìn Trang Tử hỏi: 'Hôm qua thầy bảo cái cây vì bất tài mà được sống, sao hôm nay con chim không biết gáy lại phải chết ?'. Trang Tử ôn tồn giảng:
'Có tài hay là bất tài thì cũng đều không tốt cả. Khôn chết, dại cũng chết, chỉ có biết mới sống'.
'Biết' ở đây chính là hiểu thời thế, biết tiến biết lùi, biết lúc nào nên khôn, lúc nào nên dại, biết hàm dưỡng trong xử thế. Lão Tử cũng từng giảng:
'Đại trí nhược ngu'.
Các bậc có trí tuệ lớn thường nhìn bề ngoài như ngốc nghếch. Đương nhiên họ không ngốc thật, chỉ là biết cách cư xử mà thôi...
Comments
Post a Comment