Thuyết Mộng


说梦 THUYẾT MỘNG [1] 概论 Khái Luận

(照远 / Chiếu Viễn)

Loại giấc mơ báo trước tương lai này rất hay gặp, chẳng hạn mọi người có thể từng có trải nghiệm thế này, chúng ta có cảm giác vô cùng quen thuộc đối với một cảnh tượng nào đó trong cuộc sống thường ngày, dường như đã gặp cảnh này ở đâu đó, thậm chí chúng ta có thể nhớ rất rõ những chi tiết nhỏ như cách ăn mặc, trang điểm, tư thế tay, ánh mắt, lời nói của người nào đó. 

Tuy nhiên, nguồn gốc của những tín tức này đa phần đều đến từ những giấc mơ, nhưng do lúc đó không có quan hệ trực tiếp với mình nên chúng ta cũng không để ý. 

Tất nhiên cũng có rất nhiều cảnh tượng trong giấc mơ để lại ấn tượng sâu sắc, những ví dụ như thế này đều xuất hiện ở cả trong và ngoài nước Trung Quốc từ xưa đến nay, và cũng xuất hiện ở nhiều phương diện, dưới đây chúng tôi đưa ra ví dụ để làm rõ hơn.

Ví dụ 1: 

Theo Sử Ký ghi chép, Phó Thuyết là hiền thần nổi tiếng thời kỳ Ân Thương, vốn phải chịu nô dịch cực khổ. Vua nhà Thương là Vũ Đinh sau khi gặp ông trong mộng, đã đi tìm ông. Nhờ sự giúp đỡ của Phó Thuyết, thời thịnh thế huy hoàng nổi tiếng trong lịch sử “Vũ Đinh trung hưng” của triều Thương đã được gây dựng, sự việc cụ thể như sau:

Sau khi hoàng đế Tiểu Ất nhà Ân qua đời, con trai ông là Vũ Đinh lên kế vị. Vũ Đinh muốn phục hưng nhà Ân nhưng mãi vẫn không tìm được đại thần phụ tá phù hợp. Thế là trong ba năm Vũ Đinh không có chủ trương chính trị gì, chính sự đều do chủng tế (tên chức quan) quyết định, còn bản thân ông cẩn thận quan sát tình hình đất nước. 

Một đêm ông mơ thấy một vị Thánh nhân tên là Thuyết. Hôm sau, ông chiểu theo hình dáng người ông nhìn thấy trong mộng mà quan sát quần thần và bách quan, nhưng không có một ai giống như vị Thánh nhân kia. 

Ông bèn phái các quan đi tìm khắp nơi, cuối cùng tìm thấy Thuyết tại Phó Nham. Lúc đó Thuyết đang phục dịch sửa đường tại Phó Nham, quan viên liền dẫn Thuyết tới cho Vũ Đinh xem, Vũ Đinh nhìn thấy liền nói chính là người này. 

Sau khi tìm thấy Thuyết, Vũ Đinh liền nói chuyện với ông thì phát hiện quả đúng là vị Thánh hiền, và cho ông đảm nhận chức tướng quốc, nhà Thương từ đó mà được trị vì rất tốt. Vì thế ông đã dùng tên địa danh Phó Nham làm họ của Thuyết, gọi là Phó Thuyết.

Ví dụ 2: 

Theo Hậu Hán Thư ghi chép, Trương Hoán thời Đông Hán giữ chức thái thú của quận Vũ Uy, vợ của ông mơ thấy bà đang mang theo ấn quan của chồng leo lên thành lầu ca hát. Tỉnh dậy, bà đem chuyện này kể lại cho Trương Hoán.

Trương Hoán kêu người bói quẻ, người bói quẻ nói: “Phu nhân sắp sinh con trai, về sau nó sẽ cai quản quận này và chết trên lầu này.” 

Sau đó vợ Trương Hoán sinh được người con trai tên là Trương Mãnh. Trong những năm Kiến An của Hán Hiến Đế, Trương Mãnh quả nhiên nhậm chức thái thú quận Vũ Uy, giết chết Hàm Đan Thương—thứ sử quận Ung Châu, sau đó quân của Hàm Đan Thương vây kích quận Vũ Uy.

Trương Mãnh không chịu nhục bị bắt làm tù binh, liền leo lên thành lầu tự thiêu mà chết.

Ví dụ 3: 

Cháu trai của nhà thư pháp triều Tấn —thánh thư Vương Hy Chi— là Vương Tuần (350-401), làm đến chức thượng thư lệnh, Hiếu Vũ Đế Tư Mã Xương Minh, thường ngày thích đọc sách cổ, Vương Tuần và Ân Trọng Kham, Từ Mạc, Vương Cung, Si Khôi, v.v. đều nhờ tài học văn chương mà được Hiếu Vũ Đế biết đến. 

Tấn Thư có ghi chép ông từng mơ thấy một người tặng ông cây bút Như Chuyên, tỉnh dậy ông kể lại: “Giấc mơ này báo sẽ có việc ghi chép lớn.” 

Ý nghĩa là điều này dự báo sắp có nhiệm vụ ghi chép to lớn nặng nề. Không lâu sau có tin tức hoàng đế băng hà, trong thời gian lo việc tang, tất cả những điếu văn kể về công lao sự tích của vua đều do một mình Vương Tuần viết. 

Việc này được ghi chép trong Tấn Thư quyển 65 “Vương đạo liệt truyện – Vương Tuần”.

Ví dụ 4: 

Sau khi bắt được cha con Đặng Ngải, Chung Hội đến Thành Đô trục xuất Đặng Ngải rồi làm phản loạn. Sau khi Chung Hội bị giết, tướng sĩ thuộc bản doanh của Đặng Ngải đuổi theo xe tù đang áp giải Đặng Ngải và đón ông trở về. 

Vệ Quán phái Điền Tự đón đường để thảo phạt Đặng Ngải, dự tính rằng tại Miên Trúc mượn rượu để tương ngộ với Đặng Ngải, và giết chết ông. 

Con trai Đặng Ngải là Đặng Trung cùng Đặng Ngải đều bị giết chết, những người con khác của ông ở Lạc Dương cũng đều bị sát hại, còn vợ và cháu thì bị lưu đày tới Tây Vực.

Mới đầu, khi Đặng Ngải đang chinh phạt nước Thục, mơ thấy mình đang ngồi trên núi, mà trên núi lại có nước chảy, ông đem cảnh tượng thấy trong mộng hỏi ý Điển Lỗ Hộ Quân Ái Thiệu. Ái Thiệu nói: 

“Theo quẻ tượng trong Kinh Dịch, trên núi có nước gọi là ‘Kiển’. 

Lời trong quẻ Kiển nói: 

‘Kiển lợi vu tây nam, bất lợi vu đông bắc.’ 

(Quẻ Kiển lợi theo hướng tây nam, 

bất lợi theo hướng đông bắc). 

Tôn Tử nói: ‘Kiển lợi theo hướng tây nam, biểu thị phía trước dù đi chỗ nào cũng sẽ có công lao lợi lộc; bất lợi theo hướng đông bắc, biểu thị đã đi tới đường cùng.’ 

Lần này ngài đi chinh phạt ở tây nam nhất định sẽ đánh chiếm được Thục Quốc, nhưng có lẽ không trở về được nữa!” 

Đặng Ngải tâm trí hoang mang buồn rầu. 

(Trích từ Tam Quốc Chí)

Ví dụ 5: 

Theo Thái Bình Quảng Ký thời đầu Bắc Tống ghi chép, thừa tướng Triệu Cảnh triều Đường khi làm phó sứ đi sứ sang nước lân cận, đã nói với hai vị phán quan họ Trương: 

“Xa phía trước vài dặm có một con sông, ven sông có một cây liễu, có một vị quan viên đứng dưới gốc cây liễu.” 

Rồi họ đi được một lát, quả nhiên nhìn thấy cảnh vật giống hệt như Triệu Cảnh nói, vị quan viên đó chính là quan quản lý trạm dịch (trạm dịch là nơi mà người truyền văn thư đi giữa đường đổi ngựa nghỉ ngơi). 

Hai vị phán quan hỏi Triệu Cảnh làm sao biết được. Triệu Cảnh nói: “Trước lúc ta 30 tuổi đã mơ thấy chuyến đi này, cho nên ta không oán trách thừa tướng lúc đó.” 

Thừa tướng Triệu Cảnh gần trước lúc chết, các binh lính giữ các cổng thành Trường An đều nhìn thấy một đứa trẻ đeo tạp dề da báo và một sợi dây ngũ sắc, đi tìm thừa tướng Triệu Cảnh, những người nhìn thấy đứa bé đó đều biết là điềm không may. Vài ngày sau Triệu Cảnh chết.

Ví dụ 6: 

Vương Phan thời Đường, năm thứ năm Nguyên Hòa (Nguyên Hòa: niên hiệu của Đường Hiến Tông Lý Thuần) thi đỗ tiến sĩ, một hôm ông mơ thấy mình làm quan ở Hà Nam, ban ngày khi ông đang xử lý công việc thì có hai người khách đến, một người mặc quần áo màu tím ngồi hướng đông, một người mặc quần áo màu đỏ ngồi hướng tây. 

Người mặc quần áo màu đỏ hỏi người mặc quần áo màu tím: “Luân Bang xử trí thế nào ?” 

Người mặc quần áo tím trả lời: “Đã đánh 20 gậy, đuổi ra khỏi khu vực Lạc Dương rồi.” 

Tỉnh dậy, Vương Phan ghi chép sự việc mơ thấy vào phía sau cuốn sổ nhật ký công vụ. 

Hai mươi năm sau, quả nhiên ông làm phủ doãn Hà Nam. Sau ông khi nhậm chức, có hai vị huyện lệnh Lạc Dương và phân tư Lang Quan đều là bạn cũ trước đây, trong tiệc rượu mọi người đều thoải mái nên nói năng tùy tiện. 

Lang Quan hỏi huyện lệnh: “Luân Bang xử trí thế nào ?” 

Huyện lệnh đáp: “Đã đánh 20 gậy, đuổi ra khỏi khu vực Lạc Dương rồi.” 

Vương Phan nghe xong, lập tức chạy vào trong phòng, hồi lâu vẫn không thấy ra. Hai vị khách kinh ngạc nói: 

“Hai người chúng tôi vừa nãy nói năng hơi tùy tiện, có lẽ Vương phủ doãn không vui.” 

Lát sau, Vương Phan cầm ra cuốn sách ghi chép công vụ, lật ra những ghi chép năm xưa cho hai người họ xem. 

Thì ra người vừa nói đến hồi nãy là gia nô của Lang Quan gia, hắn ăn cắp đồ của Lang Quan gia và bỏ trốn, sau khi bị bắt và giải đến huyện nha, huyện lệnh đã đưa ra phán quyết như vậy. 

(Trích từ Thái Bình Quảng Ký)

Ví dụ 7: 

Thôi Nguyên Tông sau khi tòng quân ở Ích Châu, muốn kết hôn, thời gian đã định xong, bỗng nhiên có một giấc mơ, trong giấc mơ có một người nói với anh: 

“Người con gái nhà này không phải nàng dâu nhà anh, nàng dâu của anh hôm nay mới chào đời.” 

Trong mơ anh bèn đi theo người trong mộng này đến một hộ gia đình ở ngã tư phố Tây Đạo Bắc, phường Lữ Tín ở Đông Kinh, tiến vào căn phòng phía đông trong sân, anh nhìn thấy một người phụ nữ vừa hạ sinh một bé gái. 

Người dẫn anh đến đó nói với anh: “Đây mới là nàng dâu của anh.” 

Thôi Nguyên Tông kinh ngạc từ trong mơ tỉnh dậy, nhưng anh không tin sự việc trong giấc mơ. Lúc này có tin báo rằng người con gái mà anh muốn lấy làm vợ đột nhiên tử vong. 

Từ đó về sau anh thăng quan cho đến hàng quan tứ phẩm, đến 58 tuổi mới kết hôn với em họ của thị lang Vi Trắc. 

Tân nương khi đó mới 19 tuổi. Mặc dù nhà gái thấy tuổi tác của Thôi Nguyên Tông đã lớn nhưng vẫn gả cho anh. Hôn lễ được tổ chức tại nhà của họ Vi ở phường Lữ Tín, hóa ra tân nương tử ở phòng phía đông. 

Tính ra thời gian mà cô sinh ra cũng chính là ngày mà Thôi Nguyên Tông nằm mơ, Thôi Nguyên Tông sau này thăng quan làm đến quan tam phẩm, sống đến 90 tuổi. 

Vi phu nhân sống cùng ông đến đầu bạc răng long, họ sống cùng nhau được 40 năm, hưởng tận vinh hoa phú quý. 

(Trích từ Định mệnh lục)

Ví dụ 8: 

Tiểu thuyết gia Trương Trạc thời Đường từng mơ thấy một con chim lớn màu tím, từ trên bầu trời bay xuống đậu trước cổng nhà ông không muốn rời đi. 

Ông kể chuyện này với ông nội mình, ông nội nói: 

“Đây là điềm báo may mắn đấy ! 

Năm xưa Thái Hằng nói: 

‘Loài chim Phượng có 5 loại, trong đó màu đỏ là chim Phượng, màu xanh lam là chim Loan, màu vàng là chim Uyên, màu trắng là chim Hồng Hộc (Thiên Nga), màu tím gọi là Nhạc Trạc Phượng Hoàng.’ 

Loại mà con thấy là phụ trợ của Phượng Hoàng, tương lai con có thể phò tá đế vương chấp chính đấy.” 

Vậy là ông bèn lấy tên cho cháu là Trương Trạc. Sau khi Trương Trạc thi đỗ tiến sĩ, đi đến Hoài Châu, mơ thấy chòm mây cát tường che trên người ông. Trong năm này ông ứng đáp câu hỏi của triều đình, quan chủ khảo thấy ông có học vấn cao thâm, xứng đáng là đệ nhất thiên hạ, sau đó ông trở thành thuộc hạ của Kỳ Vương. 

Buổi tối, ông mơ thấy mình mặc quần áo màu đỏ cưỡi trên thân lừa. Trong giấc mơ ông còn trách mình, mình nên mặc xiêm y màu xanh và cưỡi ngựa chứ, sao lại mặc đồ màu đỏ và cưỡi lừa được ? 

Khoa cử năm đó ông lại thi đỗ, được nhậm chức Hồng lư thừa. Về sau không cần thi ông lại được ban cho chức quan ngũ phẩm. Điều này đã ứng nghiệm giấc mơ mơ thấy con chim lớn khi xưa. 

(Trích từ Triều Dã Thiêm Tải quyển 3)

Ví dụ 9: 

Phan Giới đã từng nói, trước mỗi lần tham gia thi cử tuyển quan chức, nhất định sẽ có mộng báo trước. Năm đó, ông và Triệu Tự Cần cùng đi ứng thí, bài thi đều đã trình lên công đường, nhưng thời gian dài vẫn chưa công bố kết quả. 

Sau đó Phan Giới nói, ông đã nằm mơ thấy rồi, kết quả sắp được công bố. Ông mơ thấy mình và Triệu Tự Cần đều được chọn, hai người cùng đến cảm tạ quan chủ khảo, ông đi trước, Triệu Tự Cần đi theo sau. 

Đến trước công đường, Phan Giới ở hướng đông, Triệu Tự Cần ở hướng tây, hai người nhìn nhau cùng cười. Mấy ngày sau, kết quả thi cuối cùng cũng được công bố, Phan Giới được phong làm ngự sử, Triệu Tự Cần được phong làm thập di. 

Cùng một ngày hai người họ cùng đến cảm tạ quan chủ khảo. Quan chủ khảo dẫn hai người tiến cử cho hoàng đế, Phan Giới đi phía trước, Triệu Tự Cần đi theo sau. Đến điện, Phan Giới đứng phía đông, Triệu Tự Cần đứng phía tây, hai người nhìn nhau mỉm cười, giống hệt như trong giấc mơ. 

(Trích từ Định Mệnh Lục)

Ví dụ 10: 

Tháng 10 năm thứ hai tại Túc Tôn, Hiếu Xương, thứ sử Dương Châu Lý dâng tấu chương nói: 

“Môn hạ đốc Châu Phục Hưng tháng 07 năm ngoái bị bệnh nên xin nghỉ về nhà, đến đêm ngày 11 mơ thấy vượt qua Phì Thủy, đi đến phía nam Thảo Đường Tự, xa xa nhìn thấy bảy người, một người cưỡi ngựa mặc áo đỏ thắm, đội mũ quan, sáu người theo sau. 

Châu Phục Hưng đứng bên trái đường, đợi bảy người đến gần liền làm lễ hai vái. Họ liền hỏi Châu Phục Hưng là người như thế nào. Châu Phục Hưng trả lời: 

‘Lý Công môn hạ đốc, tạm thời nhận lệnh đến Hiệp Thạch.’ 

Người kia nói với Châu Phục Hưng: 

‘Anh có thể quay về, ta là trung thư xá nhân của Hiếu Văn Đế, nhận lệnh đến nói chuyện với Khuê Tắc, không cần lo lắng việc ngăn giặc, trong tháng này nhất định đánh bại chúng.’ 

Châu Phục Hưng đi được hai bước, người đó lại hỏi danh tính Châu Phục Hưng, rồi để Châu Phục Hưng nhanh chóng trở về báo cáo. 

Sau khi Châu Phục Hưng tỉnh dậy, trời sáng ông bèn trở về Thành Quả, đem những điều thấy trong mộng báo lên trên. Ngày 27 tháng 07, kẻ địch quả nhiên bị đánh tan.” 

(Lấy từ Ngụy Thư)

Ví dụ 11: 

Nhà văn nổi tiếng triều Thanh —Kỷ Hiểu Lam— trong tác phẩm tiêu biểu Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký của ông có ghi chép một chuyện như thế này: 

Năm Càn Long thứ 42, cử nhân Qua Trọng Phường có tham gia thi hương, trong mơ ông đến một nơi, nhìn thấy đề trên bình phong mấy bài thơ tứ tuyệt. 

Tỉnh lại ông vẫn nhớ hai câu trong đó: 

“Tri thị Bồng Lai đệ nhất tiên, nhân hà thanh thiển kỷ đa niên ?” 

Năm Càn Long thứ 57, ông gặp người Cảnh Châu họ Lý tại Hà Gian, bỗng nhiên nói về việc này. Người họ Lý kinh ngạc nói: 

“Đây là bài thơ Vịnh mai mà người thân viết lên bức bình phong cho gia đình tôi, câu thơ không có gì xuất sắc, không biết sao lại lọt vào giấc mơ của ngài.”

Ví dụ 12: 

Thẩm Quát là nhà khoa học, chính trị gia nổi tiếng thời Bắc Tống. Năm cuối đời tại Mộng Khê Viên ở Trấn Giang đã viết cuốn Mộng Khê Bút Đàm. Về lai lịch hai chữ “mộng khê” này, trong phần mở đầu của Mộng Khê Bút Đàm có ghi lại như sau:

Khi ông gần 30 tuổi, từng nằm mộng thấy đi đến một nơi, leo lên một ngọn núi nhỏ, hoa cỏ cây cối như tấm vải lụa che phủ, dưới núi có nước trong vắt nhìn thấy đáy, trên núi lại có cây đại thụ tỏa bóng che mát. 

Trong mộng ông vô cùng thích nơi này, muốn được quay lại đây. Từ năm đó trở đi, một hai lần hoặc ba bốn lần ông đều nằm mơ đến nơi đó, quen thuộc như thể thường ngày vẫn dạo chơi qua. 

Hơn 10 năm trôi qua, ông bị giáng chức đến Tuyên Thành làm thái thú, nơi đó có một Đạo nhân kể cho ông nghe về cảnh đẹp sông núi ở Kinh Khẩu, còn nói rằng trong huyện có người đang muốn bán một khu vườn. Vậy là Thẩm Quát liền dùng 30 vạn quan tiền để mua nó, nhưng lại chưa từng đến đó lần nào. 

Lại sáu năm trôi qua, Thẩm Quát vì thương nghị việc chiến thủ vùng biên giới mà chịu tội bị giáng chức, mua một căn nhà tại Uất Đẩu Động ở Tầm Dương, dự định sẽ ngao du ở Lư Sơn đến cuối đời. 

Năm đầu Nguyên Hựu, Thẩm Quát đến Kinh Khẩu, đến khu vườn mà vị Đạo nhân đã chuẩn bị, phảng phất như nơi này đã từng du lãm qua trong mộng. Ông cảm thán nói: 

“Duyên phận của ta chính là ở nơi đây.” 

Vậy là ông đã từ bỏ căn nhà tại Tầm Dương, dựng một chỗ ở tại vùng ven Kinh Khẩu. Nơi đây cây cối tươi tốt um tùm, nước từ khe núi chảy ra, quanh co uốn lượn, nên được gọi là “Mộng Khê”…

Ví dụ 13: 

Sử quan Hàn Lâm Viện Uông Thủ Hòa thời còn là chư sinh (học sinh đỗ tú tài được chọn để học tiếp), có một đêm nằm mơ thấy ông ngoại Sử Nhĩ Huề đưa một người đến nhà ông, ông ngoại chỉ vào người này và nói với Uông Thủ Hòa: 

“Người này là đồng niên của ta, tên Kỷ Hiểu Lam, tương lai ông ấy sẽ là thầy của con.” 

Uông Thủ Hòa trong mộng liền lặng lẽ ghi nhớ tướng mạo và trang phục của Kỷ Hiểu Lam. Sau này Uông Thủ Hòa tham gia khoa cử của triều đình, vừa khéo lại gặp Kỷ Hiểu Lam duyệt bài, ông chấm cho Uông Thủ Hòa đỗ cao. 

Uông Thủ Hòa được trao chức quan và sau đó yết kiến Kỷ Hiểu Lam, bèn nhắc tới sự việc trong mơ, mô tả tướng mạo và trang phục của Kỷ Hiểu Lam giống hệt như trong giấc mơ. 

(Trích từ Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký)

Ví dụ 14: 

Lý Nguyên Trung là người quận Bá Nhân nước Triệu. Ông cố nội Lý Linh nhậm chức thứ sử và cự lộc công ở Ngụy Định Châu. Ông nội Lý Khôi, nhậm chức Trấn Tây tướng quân. Cha là Lý Hiển Phủ, nhậm chức thứ sử An Châu. 

Thời kỳ đầu khi Nguyên Trung sắp làm quan, có mơ thấy tay mình cầm đuốc tiến vào mộ huyệt của cha, nửa đêm kinh hãi tỉnh dậy, không thích giấc mơ đó. Trời vừa sáng, Nguyên Trung đem giấc mơ này kể lại cho thầy mình, thầy của Nguyên Trung bói quẻ rồi nói: 

“Đại cát, giấc mơ này nói rằng con sẽ làm rạng rỡ tổ tiên, cuối cùng sẽ phú quý phát đạt đấy.” 

Cuối cùng con trai Lý Nguyên Trung là Lý Tao được kế thừa bổng lộc và chức quyền. 

(Trích từ Bắc Tề Thư)

Ví dụ 15: 

Thời kỳ Bắc Tống, thời niên thiếu Vương Hậu Chi từng mơ thấy có người nói với ông, tương lai ông sẽ làm học sĩ Hàn Lâm, hơn nữa mấy anh em ông cũng làm trong Hàn Lâm Viện. 

Nguyên Hậu Chi nghĩ bản thân mình trước nay không có anh em nào, cho rằng giấc mơ này không đúng. 

Trong những năm Hy Ninh, Hậu Chi được làm học sĩ, những học sĩ trước sau cùng ông vào Hàn Lâm Viện có: 

Hàn Duy, tự Trì Quốc; 

Trần Dịch, tự Hòa Thúc; 

Đặng Quán, tự Văn Yêu; 

Dương Hội, tự Nguyên Tố. 

Nguyên Hậu Chi, tự Nguyên Giáng.

Tên của năm người đều có bộ “mịch – 系” trong đó. Nguyên Hậu Chi mới hiểu cách nói mấy anh em đều làm trong Hàn Lâm Viện trong giấc mơ. 

(Trích từ Mộng Khê Bút Đàm)

Ví dụ 16: 

Năm Đinh Mão, thời Minh Chính Tông, ở Hồ Quảng có một vị quan viên trên đường đi nhậm chức mơ thấy trên bảng vàng bỗng nhiên viết: 

Đứng đầu bảng, Bành Thời. 

Khi đó cuộc thi chưa bắt đầu, vị quan viên này tỉnh dậy bán tín bán nghi, liền viết chuyện này ra giấy. Sau này, một thí sinh tên Bành Thời quả thật đã trở thành trạng nguyên. 

Trước cuộc thi một tháng, hoàng đế Anh Tông cũng có giấc mơ tương tự, mơ thấy ba nhân vật Nho giáo, Thích giáo, Đạo giáo tiến đến phía trước bái yết. 

Sau khi Anh Tông tỉnh dậy, lo sợ nghi hoặc không hiểu thế nào. Sau này khi công bố danh sách xong mới đột nhiên tỉnh ngộ. Thì ra ba người này chính là trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa của năm đó. 

Thi đỗ trạng nguyên là nho sĩ Bành Thời.

Bảng nhãn Trần Giám thuở nhỏ từng ở nhờ tại Thần Lạc Quan.

Thám hoa Khâu Chính thuở thiếu thời từng làm người ghi chép trong Khánh Thọ Tự. 

(Trích từ Trạng Nguyên Sự Lược)

Ví dụ 17: 

Hoàng hậu Cao Thị (Cao Chiếu Dung) của hoàng đế Hiếu Văn Chiêu là em gái của tư đồ công Cao Triệu. Cha là Cao Dương, mẹ là Cái Thị, có bốn con trai và ba con gái đều sinh ra ở vùng biên giới xa xôi phía đông. 

Năm đầu Cao Tổ, cả gia đình mới chuyển về phương tây, đến Long Thành trấn, vị tướng cai quản trấn đó dâng tấu nói rằng hoàng hậu đức hạnh thiện lương, nhan sắc diễm lệ, có thể tiến vào hậu cung. 

Sau khi đến cung, thái hậu Văn Minh đích thân đến Bắc Bộ Tào, nhìn thấy dung mạo hoàng hậu, bà cho rằng cô rất đặc biệt, thế là cho phép nhập cung, năm đó hoàng hậu Hiếu Văn 13 tuổi.

Năm xưa, khi hoàng hậu còn nhỏ từng mơ thấy mình đứng trong đường thất (nhà chính), ánh sáng Mặt Trời từ cửa sổ chiếu vào bà, sáng rõ mà lại vô cùng nóng, hoàng hậu tránh đông tránh tây, nhưng ánh Mặt Trời vẫn chiếu vào người không dừng. 

Cứ như vậy mấy đêm, hoàng hậu cảm thấy kỳ lạ, liền đem chuyện kể lại cho cha là Cao Dương. Cao Dương đem chuyện này đi hỏi Mẫn Tông người Liêu Đông. Mẫn Tông nói: 

“Đây là điềm báo đặc biệt kỳ lạ, tôi không thể diễn tả bằng lời.” 

Cao Dương nói: 

“Dựa vào đâu mà biết chứ ?” 

Mẫn Tông nói: 

“Mặt Trời là đức tính của quân chủ, là tượng trưng của đế vương. Ánh sáng chiếu lên người của con gái ông, nhất định có sắc phong cho cô ấy, cô ấy tránh nhưng vẫn bị ánh mặt trời chiếu rọi, là quân chủ đến cầu hôn trước, cô ấy bất đắc dĩ phải đồng ý. 

Lúc trước đã từng có người mơ thấy Mặt Trăng tiến vào bụng, và sinh hạ Thiên tử, huống hồ đây là điềm báo ánh Mặt Trời chiếu rọi chứ ? 

Cô gái này tất sẽ phải nhận sắc phong của hoàng đế, còn sinh con cho quân chủ nữa.” 

Cuối cùng cô sinh hạ được hai trai một gái, tức Bắc Ngụy Tuyên Võ Đế Nguyên Cách, Quảng Bình Võ Mục Vương Nguyên Hoài và con gái Trường Lạc Quận Trường công chúa Nguyên Anh. 

(Trích từ Ngụy Thư)

Ví dụ 18: 

Theo truyền thông đưa tin, Carl Gustay Jung, là người sáng lập trường phái “Tâm lý học phân tích” và là một bác sĩ khoa thần kinh nổi tiếng Thụy Sỹ. Ông có những thành tựu xuất sắc về phương diện lý giải các giấc mơ. Theo ước tính của ông, bản thân ông đã lý giải tổng cộng hơn 80.000 giấc mơ.

Trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, Gustay Jung đã mơ thấy cảnh tượng chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Thực ra trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, rất nhiều người châu Âu cũng đều mơ thấy cảnh tượng chiến tranh bùng nổ.

Ví dụ 19: 

Đầu năm 2010, khi đó tôi đang dạy lớp luyện thi tốt nghiệp, sau khi công bố kết quả vòng một kỳ thi cấp ba ở khu vực, thành tích của trường chúng tôi hơi kém một chút so với thành tích của trường bạn được coi là đối thủ cạnh tranh, nên tổ trưởng tổ bộ môn của chúng tôi Tiểu Điền đã bị lãnh đạo phê bình, lại còn yêu cầu lần thi sau nhất định phải vượt thành tích của trường kia. 

Lúc đó Tiểu Điền bị áp lực rất lớn, cậu ấy muốn nhờ tôi bói một quẻ xem lần thi tới có thành tích cao hơn không. Lúc đó tôi cũng không xem quẻ, có điều tối hôm đó trước khi đi ngủ có nghĩ về vấn đề này, do đó tôi đã mơ một giấc mơ. 

Trong mơ tôi thấy các đồng nghiệp trong phòng tôi cùng các thầy cô của trường bạn kia cùng nhau tham gia hoạt động nghiên cứu, trong mơ lúc đó có một cảnh tượng làm tôi ấn tượng rất sâu sắc, đó là nhìn thấy Tiểu Điền đang đứng trước mặt tổ trưởng tổ bộ môn của trường bạn và nói gì đó, hơn nữa vẻ mặt lộ ra nụ cười đắc ý. 

Sau khi tỉnh dậy tôi mới hiểu được ý nghĩa của giấc mơ này, ngày hôm sau đi làm tôi nói với Tiểu Điền: 

“Anh cứ yên tâm đi, lần thi sau thành tích của chúng ta sẽ vượt họ.” 

Quả đúng là trong vòng thi thứ hai toàn thành phố, thành tích của chúng tôi cao hơn trường bạn. Sự việc này hơn 10 đồng nghiệp trong phòng chúng tôi đều biết.

Ví dụ 20: 

Hè năm 2010, trước kỳ thi đại học khoảng một tháng, tổ trưởng Tiểu Điền nửa đùa nửa thật nói với tôi: 

“Lần này có thể phiền cậu lại mơ xem đề thi thế nào không ?” 

Lúc đó tôi cười nói với anh ấy: 

“Nằm mơ khó lắm, không giống như làm văn xác định chủ đề trước rồi nội dung đâu, nhưng tôi cứ thử xem sao.” 

Tối hôm đó, tôi nghĩ về vấn đề đó trước khi đi ngủ và mơ một giấc mơ rất rõ ràng: 

Khi trời vừa mới tờ mờ sáng, tôi đi ra ngoài tản bộ, nhìn thấy thủ tướng đương nhiệm họ Ôn đang vội vã đi phía trước, tôi đi theo phía sau ông ta, còn nhìn thấy bên đường có mấy người lớn tuổi đang ngồi nói chuyện, trong đó có một ông lão chào hỏi ông: 

“Thủ tướng đi đâu vội vã thế ?” 

Thủ tướng nói với ông lão: 

“Tôi phải đi đến hội nghị ở phía trước để diễn giảng”. 

Ông lão hỏi tiếp: 

“Diễn giảng vấn đề gì vậy ?” 

Thủ tướng nói: 

“Là liên quan tới ‘Phú Xuân Sơn Cư Đồ’.” 

Ông ấy vừa nói dứt lời, tôi liền tỉnh dậy. Ngày hôm sau đến phòng làm việc, tôi nói với Tiểu Điền: 

“Tôi mơ thấy một đề mục, có lẽ sẽ xuất hiện trong đề thi đại học, là ‘Phú Xuân Sơn Cư Đồ’, hãy bảo các giáo viên mỹ thuật của chúng ta chuẩn bị các tài liệu liên quan tới đề mục này, rồi phát cho học sinh bảo chúng chịu khó ôn tập.” 

Vậy là đồng nghiệp của tôi đi chuẩn bị kỹ lưỡng, về sau, trong đề thi đại học của tỉnh Sơn Đông năm 2010 phần kiểm tra kiến thức cơ bản thật sự có chủ đề này, và chiếm hai điểm. 

Năm đó, khoa của chúng tôi đạt thành tích thi đại học vượt xa trường bạn, hơn nữa lớp tôi phụ trách có số học sinh đạt điểm cao môn kiến thức cơ bản nhiều nhất. Khi đó các đồng nghiệp trong phòng của chúng tôi đều biết về sự việc này, trong các học sinh cũng có em biết.

Những giấc mơ có thể nhìn trước tương lai vẫn thường xảy ra với tôi ngay cả cho đến nay, chỉ là có năm nhiều năm ít. Ví như khoảng thời gian năm 2004, tôi phát hiện ra có mấy chục sự việc đã biết trước trong mơ rồi, hơn nữa đều là những việc nói chuyện với những người không quen biết ở những nơi xa lạ. 

Khoảng thời gian kể từ khi mơ cho đến khi sự việc xảy ra cũng khác nhau, có việc được mơ trước nửa năm, có việc mơ trước hai, ba tháng, có sự việc lại mơ trước chỉ mấy hôm. 

Con người, hoàn cảnh cũng như nội dung mà chúng tôi nói chuyện trong đời thực không sai chút nào so với trong mơ. Về sau tôi thường hay nói về chủ đề này với các đồng nghiệp, bạn bè cho đến cả học sinh của mình, mọi người cũng đều công nhận rằng thường hay có giấc mơ như thế xuất hiện.

Vậy chúng ta hãy thử nghĩ xem đó có thể nói là sự việc ngẫu nhiên chăng ? Phải chăng rất nhiều bí ẩn của sinh mệnh và vũ trụ chứa đựng bên trong những giấc mơ đó ?

说梦 THUYẾT MỘNG [2] 传道授业的梦 

[Truyền Đạo Thụ Nghiệp Đích Mộng]

(照远 / Chiếu Viễn)

Nhiều người có lẽ đã từng nghe nói về giấc mơ truyền đạo thụ nghiệp, loại giấc mơ này đều từng xuất hiện cả trong và ngoài Trung Quốc từ xưa đến nay, phương thức truyền tải và nội dung cũng rất đa dạng. 

Trong khoa học hiện đại của phương tây, ví dụ nổi tiếng nhất là nhà khoa học người Nga Mendeleev đã phát hiện ra bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học trong giấc mơ của mình. 

Ở Trung Quốc, trong truyền thuyết cổ xưa nhất về cuộc chiến giữa Hoàng Đế và Xi Vưu, Xi Vưu là một người ba đầu sáu tay, mình đồng da sắt, đao kiếm không đâm nổi, trong chiến đấu ông ta sử dụng đao, rìu, giáo rất thành thạo, không ăn không nghỉ, dũng mãnh không ai địch nổi, vì thế mà Hoàng Đế không thể đánh lại được. Về sau, Hoàng Đế mơ thấy Cửu Thiên Huyền Nữ truyền thụ cho ông “Kỳ môn độn giáp” và các chiến thuật khác, cuối cùng đã đánh bại được Xi Vưu. 

Một ví dụ khác, mọi người hẳn đều biết câu chuyện về “Cây bút thần của Mã Lương”, ngày nay những câu chuyện này chỉ đơn giản là chuyện thần thoại, nhưng chúng ta hãy tìm những ví dụ thực tế trong các tư liệu lịch sử để minh chứng cho câu chuyện này.

Ví dụ 1: 

Khổng Tử là người sáng lập ra Nho giáo và cũng là một nhà giáo dục vĩ đại. Ông đưa ra học thuyết lấy “Nhân” làm gốc, lấy “Lễ” làm phương pháp, lấy việc thực hành chế độ Lễ Nhạc của vua Nghiêu vua Thuấn, Chu Văn Vương, Chu Võ Vương làm mục tiêu chính trị. 

Khổng Tử mong muốn hướng tới một chế độ chính trị xã hội như trong thời kỳ cực thịnh của nhà Chu, ông vô cùng cảm phục trước các thánh quân hiền thần như Chu Văn Vương và Chu Võ Đán, ông đã không chỉ một lần mơ thấy Chu Công. 

Trong giấc mơ của Khổng Tử, Chu Công đã đem đạo trị quốc cũng như nội dung, đặc điểm, thậm chí trình tự cụ thể của Lễ Nhạc được hình thành từ thời đầu nhà Chu truyền hết cho Khổng Tử. 

Những năm cuối đời của Khổng Tử, có lẽ vì học vấn của ông đã trọn vẹn rồi nên không mơ thấy Chu Công nữa, vì thế mà ông đã cảm khái mà nói rằng: “Ta đã suy yếu lắm thay ! Lâu rồi ta không mơ gặp Chu Công.” Nghĩa là ta đã già yếu lắm rồi, rất lâu không mơ thấy Chu Công nữa. 

(Theo “Luận Ngữ”, Thuật Nhi Ngũ)

Ví dụ 2: 

Khi Lã Mông đến nước Ngô, Tôn Quyền khuyên ông chịu khó học hành. Vì thế mà ông đọc nhiều sách vở, còn lấy Kinh Dịch làm chủ đạo, thường hay ở bên Tôn Quyền đàm kinh luận đạo, có lúc còn uống rượu đến say mèm. 

Một hôm, khi đang mơ ngủ ông bỗng nhiên đọc thuộc cả bộ Kinh Dịch, lát sau tỉnh lại, mọi người đều hỏi ông có chuyện gì. Lã Mông nói: 

“Trong mơ ta đã gặp Phục Hy, Văn Vương và Chu Công. Họ cùng ta đàm luận chuyện quốc gia hưng vong, pháp lý của thiên địa vũ trụ, quan điểm rất hay và thấu đáo. Họ không chỉ đàm luận suông mà còn đọc thuộc nguyên văn cuốn Kinh Dịch.” 

Lời nói của Lã Mông đã khiến mọi người kinh ngạc, mọi người đều biết câu chuyện Lã Mông học thuộc Kinh Dịch trong mơ này. 

(Theo Vương Tử Niên Thập Di Ký)

Ví dụ 3: 

Đường Huyền Tông từng mơ thấy hơn 10 vị Tiên cưỡi mây ngũ sắc đáp xuống sân đứng thành hàng, mỗi người cầm một loại nhạc cụ cùng diễn tấu. Bản nhạc mà họ tấu du dương thánh thót, đúng là âm thanh nơi cõi Tiên. 

Đến khi nhạc dừng lại, một vị Tiên tiến lên phía trước nói: “Bệ hạ có biết đây là bản nhạc gì không ? Đây là ‘Tử Vân Khúc’ của Thần Tiên, giờ tôi muốn truyền thụ lại cho bệ hạ để làm âm nhạc tiêu chuẩn cơ bản của Đại Đường, bản nhạc này khác rất xa các bản nhạc như ‘Hàm Trì’, ‘Đại Hạ’.” 

Đường Huyền Tông vô cùng mừng rỡ, lập tức tiếp nhận truyền thụ. Lát sau ông tỉnh lại, dư âm của bản nhạc dường như vẫn còn vang vọng. Ông vội vàng cầm sáo ngọc lên tập thổi, ông hoàn toàn nắm vững được tiết tấu của bản nhạc đó, nhưng ông lại âm thầm ghi nhớ trong tâm mà không tiết lộ cho người khác. 

Đến khi trời sáng, ông đến Tử Thần Điện nghe tấu trình, tể tướng Diêu Sùng và Tống Cảnh tiến vào điện tấu trình ông các việc, nhưng dường như ông không nghe thấy, hai vị tể tướng sợ hãi lại tấu trình lần nữa. 

Huyền Tông liền đứng dậy, nhưng ông vẫn không hề để ý đến hai vị tể tướng. Hai vị tể tướng càng thêm sợ hãi lo lắng đi ra ngoài. Lúc đó thị vệ Cao Lực Sĩ ở bên cạnh Huyền Tông lập tức tấu: 

“Tể tướng đến xin chỉ thị để giải quyết công việc, bệ hạ nên ra quyết định ngay có nên thực hiện không. Hồi nãy việc Diêu Sùng và Tống Cảnh bẩm báo đều là việc quân chính đại sự, mà ngài lại hoàn toàn không để tâm, lẽ nào hai vị tướng đã đắc tội gì ?” 

Huyền Tông cười nói: “Tối qua ta mơ thấy các vị Tiên tấu nhạc, bản nhạc đó gọi là ‘Tử Vân Khúc’, họ đã đem bản nhạc đó truyền lại cho ta. Ta sợ mình quên tiết tấu bản nhạc nên mới âm thầm tập luyện trong tâm, vì thế mới không chú ý đến việc trình tấu của hai vị tướng quốc.” 

Rồi ông rút cây sáo ngọc trong người ra đưa cho Cao Lực Sĩ xem. Ngày hôm đó Cao Lực Sĩ đi đến tỉnh Trung Thư, đem sự tình kể hết cho hai vị tướng quốc, hai vị nghe xong không còn sợ hãi nữa. Khúc nhạc này về sau được truyền lại cho quan Nhạc phủ. 

(Theo Thái Bình Quảng Ký)

Ví dụ 4: 

Lý Long Cơ đam mê âm nhạc, trong các vị quân vương thời cổ đại, Lý Long Cơ là người nghiên cứu chuyên sâu nhất và tinh thông nhất về âm nhạc. Ông có thể thổi, kéo, gảy, tấu các loại nhạc cụ. 

Tương truyền, Lý Long Cơ từng mơ thấy mình dạo chơi cung trăng, bỗng nghe thấy trên trời có Tiên nhạc tấu vang, các nàng Tiên mặc bộ vũ y Nghê Thường (bộ quần áo bảy màu, được biết đến như là trang phục của Bát Tiên) tung tăng nhảy múa. Giọng ca của Tiên nữ thánh thót, điệu múa nhẹ nhàng thướt tha. 

Sau khi Lý Long Cơ tỉnh lại, ông nhớ rõ ràng cảnh tượng trong giấc mơ, muốn ghi lại khúc nhạc đó để cho nhạc công diễn tấu và ca nữ múa hát. 

Ông dần dần nhớ lại, nhớ được chút nào liền ghi ra ngay, ngay cả ban ngày khi lên triều, ông vẫn mải mê ghi chép và còn cầm theo một cây sáo ngọc, vừa nghe đại thần đọc bản tấu, tay lại luồn ra phía sau lén ấn các lỗ sáo trên sáo ngọc để tìm giai điệu. 

Về sau ông đã nhớ được hết toàn bộ khúc Tiên nhạc mà mình đã nghe được trong mộng, và ông lập tức ghi thành bản nhạc, dựa vào đó sáng tác nên khúc nhạc nổi tiếng phù hợp với diễn tấu trong cung đình. 

Đó chính là bản ‘Nghê Thường Vũ Y khúc’ hay điệu múa ‘Nghê Thường Vũ Y vũ’, đây là tác phẩm nghệ thuật đặc sắc có giá trị trong đại khúc triều Đường, là tác phẩm tập hợp ca múa thời Đường. 

Cho đến nay, đại khúc này vẫn không hổ danh là viên ngọc sáng của trong lịch sử âm nhạc và vũ đạo.

Ví dụ 5: 

Liệt Tử qua đời ở nước Trịnh, phần mộ của ông nằm trong một bụi cỏ hoang bên ngoài thành, nơi đây trở thành di tích lịch sử nổi tiếng, không cho phép ai vào đốn củi. 

Gần đó có một người tên là Hồ Sinh, gia đình rất nghèo khó, thời trẻ làm nghề mài rửa gương đồng thuê. Khi kiếm được trái cây, trà ngon hoặc rượu ngon, Hồ Sinh đều mang đến cúng trước mộ phần của Liệt Tử, mong Liệt Tử ban cho mình trí thông minh và học vấn. 

Một năm sau, anh ta mơ thấy một người cầm dao mổ bụng anh ta ra và đặt một cuốn sách vào trong tim của anh. Tỉnh dậy, anh muốn ngâm thơ, những câu thơ ngâm lên đều vô cùng mỹ miều, nhưng lại không phải do học được từ thầy cô hoặc bạn bè. 

Mặc dù đã có học vấn rồi, nhưng anh vẫn không từ bỏ nghề mài rửa gương đồng thấp kém kia, thật mang phong thái của một ẩn sĩ. Người xa gần đều gọi anh là “Hồ Đinh Giảo”. 

Các quan viên thái thú và những người có tiếng trong xã hội đều rất kính phục anh, các vị tiền bối thường đến thăm hỏi anh, tặng lễ vật thì anh đều không nhận, nhưng nếu tặng trà thơm hoặc rượu ngon, anh lại vui vẻ đón nhận. 

(Theo Vân Khê Hữu Nghị)

Ví dụ 6: 

Khi cha con Vương Kiến thống trị Thục Quốc, Kiềm Nam Tiết độ sứ Vương Bảo Nghĩa có một người con gái gả cho Cao Bảo Tiết, vốn là con trai của Cao Tòng Hối nước Kinh Nam. 

Trước khi được gả đến Kinh Nam, cô vẫn hay mặc y phục Đạo sĩ. Cô nương này tư chất thông minh, cô có một cây đàn tỳ bà rất đẹp. Khi còn mặc quần áo Đạo sĩ, Vương Thị Nữ nhiều lần mơ thấy dị nhân truyền thụ cho cô các bản nhạc. 

Những người truyền nhạc cho cô, khi thì có dáng vẻ Đạo sĩ, lúc lại mang dáng vẻ người phàm tục. Họ mặc y phục màu tím hoặc màu vàng. Có lúc một đêm truyền thụ mấy bản nhạc, có bản nhạc cô chỉ nghe một lần là đã nhớ. 

Những bản nhạc này âm điệu thánh thót, siêu phàm thoát tục, khác hẳn các bản nhạc thông thường, gần giống với bản nhạc “Tử Vân” của Tiên gia. Những người này còn nói với Vương Thị Nữ: “Hãy nhờ anh trai cả viết lời tựa cho những bản nhạc này, và khắc trên đá theo hướng giáp dần.” 

Huynh trưởng của Vương Thị Nữ là Vương Trinh Phạm làm Thôi quan thiếu giám của Kinh Nam, chính ông đã viết lời tựa cho những bản nhạc này và khắc lên đá. 

Các bản nhạc được truyền thụ cho Vương Thị Nữ gồm có “Đạo điệu cung”, “Vương thần cung”, “Di tắc cung” v.v., tổng cộng hơn 200 bản nhạc. 

Điều khác biệt là, các bản nhạc “Tương phi oán” và “Khốc Nhan Hồi” được viết theo điệu Chủy, nhưng khi đó các nhạc cụ của người Hồ như tỳ bà, hốt lôi thường không đàn tấu điệu Chủy. 

Sau khi cô được gả cho nhà họ Cao được vài năm thì qua đời. Vương Thị Nữ thực ra là Tiên nữ vì phạm phải luật Trời nên bị giáng xuống nhân gian. 

Hậu nhân của cô, vợ của con trai Tôn Quang Hiến, chính là cháu gái của Vương Thị Nữ, cũng nhớ một hai bài trong số những bản nhạc đó, có người đã từng nghe cô đàn. Đây cũng là một chuyện kỳ lạ ! 

(Theo Thái Bình Quảng Ký)

Ví dụ 7: 

Vào thời Đường, Quán Hưu là một tăng nhân Phật gia, người Lan Khê, Vụ Châu. Hòa thượng Quán Hưu giỏi về ngâm thơ, viết chữ, hội họa. 

Trước khi Vương Kiến xây dựng vương triều Thục, ông đến nước Thục Trung, sống tại nơi tu hành tham thiền ở chùa Long Hoa. Ông dùng lối vẽ thủy mặc vẽ cho chùa 18 vị La Hán, một bức tượng Phật cùng hai bức tượng Bồ Tát. 

Trong tranh vẽ một mỏm núi đá lớn vây quanh mây mù, những nhành cây tùng khẳng khiu uốn lượn quanh gốc cây. Hơn nữa, tướng mạo của các vị Phật, Bồ Tát và 18 vị La Hán đều khác thường, không giống như tranh của các họa sĩ khác vẽ. 

Bản thân Quán Hưu thường hay nói: “Trong mộng ta mơ thấy những vị Thần Phật này, sau khi tỉnh dậy thì vẽ lại, cũng có thể gọi họ là ‘Ứng mộng La Hán’. 

Đệ tử của ông là Đàm Vực và Đàm Phất bí mật đem những bức tranh này cất đi, coi chúng như những tác phẩm nghệ thuật quý giá. 

Thục Vương từng tuyên triệu Quán Hưu vào cung, ông rất ca ngợi tranh của Quán Hưu, khen rằng nét vẽ của ông phóng khoáng tự nhiên, ở trong cung được một tháng, vua điều ông đến Hàn lâm viện. 

Học sĩ Hàn lâm viện Âu Dương Quýnh cũng từng quan sát Quán Hưu hòa thượng, và còn viết một bài thơ tặng ông. 

(Theo Thái Bình Quảng Ký)

Ví dụ 8: 

Trong những năm Cửu Thị tức những năm Võ Tắc Thiên trị vì, Dương Huyền Lượng người Tương Châu khi đó hơn 20 tuổi từng đi đến Kiền Châu làm thuê tại Vấn Sơn Đạo quán, trong khi ngủ trưa anh mơ thấy Thiên Tôn nói với mình rằng: 

“Căn phòng của ta đã quá cũ nát rồi, ngươi có thể giúp ta tu sửa lại được không, ta sẽ giúp ngươi có thể chữa được mọi loại bệnh.” 

Sau khi tỉnh lại, Huyền Lượng vô cùng vui mừng, và thử đi trị bệnh cho người khác, không ai không trị khỏi. 

Ở huyện Cán có một vị Lý Chính, sau lưng có một cái nhọt to như nắm tay. Huyền Lượng dùng dao cắt đi, mấy ngày sau thì khỏi. 

Huyền Lượng trị bệnh cho người ta mỗi ngày kiếm được rất nhiều tiền. Khi anh giúp Thiên Tôn tu tạo xong miếu đường, việc giúp người trị bệnh của anh cũng dần dần không công hiệu nữa. 

(Theo Triều Dã Thiêm Tải)

Ví dụ 9: 

Những năm cuối thời Đông Hán, Trịnh Huyền theo thầy Mã Dung học tập, thời gian ba năm trôi qua nhưng vẫn chưa học được gì. 

Về sau, Mã Dung để anh ta ra về. Một hôm, Trịnh Huyền đang ngủ ở dưới bóng cây thì mơ thấy một người dùng dao rạch tim của anh ta ra, rồi nói với anh: 

“Bây giờ ngươi hoàn toàn có thể khiến mình trở thành người có học vấn rồi !” 

Trịnh Huyển tỉnh dậy lập tức quay lại chỗ thầy, không lâu sau liền học thông hiểu thạo hết các sách cổ. Về sau, anh đi về phía đông, Mã Dung than thở rằng: “Thi thư lễ nhạc đều đi về phương đông hết rồi !” 

(Theo Dị Uyển)

Ví dụ 10: 

Vào thời Nam Triều Lương, Giang Yêm từng nhậm chức Thái thú Tuyên Thành. Thuở nhỏ ông từng mơ thấy có người tặng ông cây bút ngũ sắc, cho nên từ đó văn chương bay bổng tài hoa nổi tiếng. 

Về sau, ông lại mơ thấy một người tự xưng là Quách Cảnh Thuần (tức Quách Phác) nói với ông: 

“Trước đây ta đã cho ông mượn cây bút, bây giờ nên trả lại ta rồi.” 

Giang Yêm lấy từ trong túi ra cây bút ngũ sắc trả lại người đó. Từ đó, tài văn chương của Giang Yêm ngày càng kém, cho nên người ta mới có câu “Giang lang tài tận” (tức tài năng cạn kiệt). 

(Theo Nam Sử)

Ví dụ 11: 

La Quân Chương người Quế Dương, đến năm khoảng 20 tuổi vẫn không có chí hướng học hành. 

Ban ngày, trong lúc ngủ ông từng có một giấc mơ thấy mình nhặt được một quả trứng chim, quả trứng phát ra ánh sáng sặc sỡ, không giống thứ gì nơi nhân gian, trong mộng ông đã cầm nó nuốt vào bụng. 

Sau đó, ông dần dần minh xác được chí hướng của bản thân, càng nỗ lực phấn đấu học tập hơn, học thuộc các loại kinh điển, về sau nhờ tài học vấn mà trở nên nổi tiếng. 

(Theo Thái Bình Quảng Ký)

Ví dụ 12: 

Vương Nhân Dụ (880 – 956), tự Đức Liên, là người ở Thiên Thủy thời nhà Đường (nay là huyện Thiên Thủy, tỉnh Cam Túc). 

Ông là một nhà văn học, một thi nhân thời kỳ Ngũ Đại (thời kỳ năm triều đại thay nhau thống trị vùng Trung Nguyên: Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu). 

Ông tinh thông âm nhạc, sau khi Tấn Cao Tổ định ra nhã nhạc đã mở đại yến tiệc thiết đãi quần thần ở điện Vĩnh Phúc và cho diễn vở “Hoàng Trung”. 

Vương Nhân Dụ nghe xong liền nói: “Trong nhạc có nhân tố không thuần chính và không nghiêm túc, lại không có hòa âm, điều này chứng tỏ trong cung đình sẽ xuất hiện sự việc tranh đấu.” 

Ngay sau đó lập tức vọng vào tiếng đánh nhau của hai binh sĩ ở ngoài thành Thăng Long, mọi người vô cùng kinh ngạc. 

Vương Nhân Dụ rất thích làm thơ, khi ông còn nhỏ từng mơ thấy có người mổ ruột của ông ra, rồi dùng nước sông Tây Giang rửa, lúc đó ông nhìn thấy cát đá sông Tây Giang đều biến thành những chữ Đại Triện, từ đó về sau ý tứ văn thơ của ông ngày càng tiến bộ. 

Ông đã đem hơn một vạn bài thơ mà mình sáng tác phân thành một trăm tập thơ, lấy tên là Tây Giang Tập 

(Theo Tân Ngũ Đại Sử).

Ví dụ 13: 

Hoàng Trạch (1260 – 1346), người Giang Châu thuộc nhà thời Nguyên (nay là Cửu Giang, Giang Tây), tự Sở Vọng, là một nhà giáo dục triều Nguyên. 

Thuở thiếu thời ông lấy việc minh kinh học đạo làm chí hướng, lao tâm khổ tứ với việc học. Những năm Đại Đức khi nhậm chức Sơn trưởng ở thư viện Cảnh Tinh ở Giang Châu và ở thư viện Đông Hồ ở Long Hưng, ông đã thu nhận nhiều học trò. 

Ông tinh thông những chú thích cổ, luôn tìm hiểu tỉ mỉ các sự vật hiện tượng; học theo các nguyên lý, phép tắc của phái Trình Chu. Ông lấy việc minh kinh học đạo làm chí hướng, nghiên cứu sâu triết học phái Trình Chu.

Lúc đầu khi Hoàng Trạch mơ thấy Khổng Tử, ông còn cho rằng đây là việc ngẫu nhiên, nhưng về sau ông nhiều lần mơ thấy Khổng Tử, còn mơ thấy Khổng Tử đích thân truyền thụ kiến thức về Lục Kinh cho ông.

Hơn nữa sách và chữ nhìn thấy trong mộng đều như mới, khiến ông cảm động sâu sắc, nhờ đó ông nhận ra được nhiều điểm không chính xác trong các học thuyết giải thích về Lục Kinh xưa nay. 

Từ đó, ông sáng tác ra 10 chương Tứ Cổ Ngâm, tán dương đức hạnh, dung mạo của Thánh nhân thời xưa còn vượt trên cả Văn Vương, Châu Công. 

Hết kỳ nhậm chức, ông trở về quê hương, không thu nhận đồ đệ nữa mà chỉ phụng dưỡng cha mẹ, không quan tâm đến chuyện quan trường nữa. 

(Theo “Nho học truyền”, Nguyên Sử)

Ví dụ 14: 

Giang Thức, tự Pháp An, người Tế Dương, quận Trần Lưu. Tổ đời thứ sáu là Giang Quỳnh, tự Manh Cư, làm Thái thú ở Bằng Dực triều Tấn, biết viết chữ Triện và giải nghĩa các từ trong sách cổ. 

Trong cuộc nổi loạn ở Vĩnh Gia, Giang Quỳnh từ quan, đến nhờ vả Trương Quỹ ở vùng miền tây, con cháu từ đó cư ngụ ở vùng Đông Châu, đời đời truyền thừa gia nghiệp tại nơi đây.

Giang Thức từ nhỏ đã được sống trong gia đình có truyền thống học hành. Mấy năm trước đó, ông từng mơ thấy có hai người thỉnh thoảng dạy ông học, khi tỉnh dậy, trong đầu luôn ghi nhớ về những thứ đã học trong mơ.

Mới đầu, ông được phong làm Tư đồ trưởng kiêm Hành tham quân và Kiểm giáo ngự sử, không lâu sau thì nhậm chức Điễn khấu tướng quân và Phù tiết lệnh. 

Bởi vì ông viết sắc lệnh phong tước cho Thái hậu Văn Chiêu, nên được đặc cách nhận chức Phụng triều thỉnh, nhưng vẫn kiêm chức Phù tiết lệnh. 

Chữ Triện của Giang Thức viết vô cùng đẹp, chữ trên các biển ở khắp các cổng trong cung điện Lạc Kinh đều là chữ thư pháp của Giang Thức. 

(Theo Ngụy Thư)

Ví dụ 15: 

Trương Nguyên Tố, tự Khiết Cổ, là người Dị Châu triều đại nhà Kim. Không rõ tháng năm sinh của ông, chỉ biết ông cùng thời đại với y học gia nổi tiếng triều đại nhà Kim là Lưu Hoàn Tố nhưng ông nhỏ tuổi hơn. 

Ông sống vào khoảng thế kỷ 12 đến 13 SCN. Từ nhỏ ông đã chuyên tâm đọc kinh thư, tám tuổi thi đỗ khoa cử dành cho trẻ nhỏ; năm 27 tuổi thi đỗ Kinh nghĩa tiến sĩ, nhưng vì phạm miếu úy mà thi rớt.

(Miếu úy: tên húy của cha hoặc ông nội của hoàng đế thời phong kiến)

Thế là ông từ bỏ việc khoa cử mà chuyên tâm vào học y. 

Ông nỗ lực học hành, tìm tòi suốt hơn 20 năm, bởi vì ông chuyên tâm học y thuật cho nên đã cảm động đến Trời cao, ông đã “gặp được cao nhân về y thuật truyền cho những phương thức kỳ diệu hiếm có”. 

Ông có trình độ y học cao thâm nên hiệu quả chữa trị rất cao. Ông từng dùng y học khuất phục được Lưu Hà Gian.

Bản thân Trương Nguyên Tố rất muốn tìm hiểu sâu về “Nội kinh”, đến mức độ cả trong mơ cũng tìm cầu. 

Ông từng mơ thấy có người mọc răng, trong tâm răng có lỗ, bên trong cất dấu kinh thư, đề mục cuốn kinh thư là Nội kinh chủ trị bị yếu.

Thật đúng là “lòng thành cảm động đất trời”, cho nên ông Trời mới có thể cho ông nhìn thấy điều kỳ diệu của y học. 

Ví dụ 16: 

Hứa Thúc Vi là y học gia nổi tiếng triều Tống, tự Tri Khả, hiệu Cận Tuyền, sống vào những năm Nguyên Phong thời Bắc Tống (khoảng năm 1080), người Bạch Sa, Chân Châu (nay là Nghi Chinh, Giang Tô).

Hứa Thúc Vi từng được giới thiệu tham gia khoa cử mùa xuân nhưng không đỗ. Trên đường trở về nhà, khi thuyền đi qua vùng Bình Vọng ở Ngô Giang, buổi tối ông mơ thấy một người mặc quần áo màu trắng nói: 

“Ngươi không tích âm đức, cho nên thi không đỗ.” 

Hứa Thúc Vi liền nói: 

“Gia cảnh nhà tôi bần hàn, không có tiền để giúp đỡ người khác. Tôi nên làm thế nào mới được đây ?” 

Người mặc áo trắng nói: 

“Tại sao không học y chứ ? Ta có thể giúp ngươi tinh thông y thuật.”

Hứa Thúc Vi tỉnh dậy, trở về nhà, ông lập tức theo lời người mặc áo trắng chịu khó nghiên cứu đọc sách y. Về sau, quả nhiên ngộ được y đạo tuyệt diệu của Biển Thước, Trương Thân Cảnh. 

Chỉ cần ai có bệnh trên người, dù là giàu hay nghèo, Hứa Thúc Vi đều tận tình chữa trị và bốc thuốc cho họ, gặp phải những người bệnh nghèo khó, ông không lấy một xu nào. Số người được ông chữa khỏi nhiều không đếm xuể.

Về sau, Hứa Thúc Vi quả nhiên thi đỗ cử nhân trong hội thi hương. Khi đi đến Lễ Bộ tham gia thi hội, ngồi thuyền lại đi qua Bình Vọng, buổi tối ông lại mơ thấy người mặc áo trắng, người đó tặng ông bốn câu thơ: 

“Thí dược công đại, trần lầu gian sở; 

Điện thượng hô lư, hoán lục tác ngũ.” 

Hứa Thúc Vi nghĩ tới nghĩ lui cũng không giải được hàm nghĩa trong bốn câu thơ đó, vì thế tạm thời gác chuyện này qua một bên.

Đến năm thứ hai Thiệu Hưng (năm 1132), Hứa Thúc Vi thi đỗ tiến sĩ và đứng thứ sáu. Không lâu sau, người xếp thứ hai vì nguyên cớ nào đó mà không đủ tư cách, nên ông được xếp thứ năm. 

Trước ông là Trần Tổ Ngôn, dưới ông là Lầu Thôn, chính là đứng ở giữa hai người họ Trần và họ Lầu, lúc này ông mới hiểu được ý nghĩa của câu thơ trong mộng. 

Ví dụ 17: 

Đây là câu chuyện về một cụ già người Hàn Quốc từ nhỏ đã bắt đầu học chữ Hán trong mơ.

Cụ ông 95 tuổi người Hàn Quốc tên là Văn Tướng Hạo (tên phiên âm) tự là Lưỡng Bạch Đường, đã xuất bản tập thơ đầu tiên bằng chữ Hán tên Lưỡng Bạch Đường tập. 

Tập thơ này có hơn 90 trang, tập hợp hơn 2.000 bài thơ của ông. Điều thần kỳ là cụ ông người Hàn Quốc này sở dĩ có hiểu biết nhất định về thơ chữ Hán là do ông học được trong mơ. 

Cụ Lưỡng Bạch Đường từ nhỏ chưa từng đi đến lớp học, mà là học chữ Hán trong mơ theo các hiền triết Khổng Tử, Mạnh Tử. Theo giới truyền thông đưa tin về ông: 

“Từ năm sáu tuổi, Khổng Tử và Mạnh Tử đã xuất hiện trong giấc mơ của ông, họ lần lượt dạy ông học chữ Hán, học tập kinh thư Nho gia. 

Nếu không chịu khó học tập, ông còn bị phạt đánh đòn nữa ! Sáng sớm hôm sau tỉnh dậy, chỗ bị đánh còn tím bầm và rất đau.”

Dựa vào những trải nghiệm thần kỳ trong mơ, không những học được chữ Hán mà ông còn nhiều lần đoạt giải trạng nguyên thơ Hán trong các cuộc thi thơ chữ Hán của Hàn Quốc hàng năm. 

Vì có hiểu biết rất sâu về Hán văn và Nho học, nên ông còn đảm nhận việc dạy Hán văn tại Đại học Sungkyunkwan – trung tâm nghiên cứu Nho gia cao nhất tại Hàn Quốc.

Cho đến nay, tiên sinh Lưỡng Bạch Đường với sức khỏe dồi dào vẫn ở nhà nhận dạy Hán văn cho các học sinh. Theo thống kê của ông, số học sinh của ông đã vượt trên con số 1.000, những học sinh này hầu hết đều trở thành giáo viên dạy chữ Hán ở khắp nơi trên Hàn Quốc. Cựu tổng thống Hàn Quốc là Park Chung Hee cũng từng là học sinh của ông.

Cuộc “kỳ ngộ trong mộng” của Lưỡng Bạch Đường thường không được kể ra bên ngoài, bởi vì đây là điều mà khoa học hiện đại khó có thể giải thích được và quan niệm của người thường khó có thể tiếp thu được.

Ông nói với phóng viên: “Hồi nhỏ tôi nói với người trong thôn rẳng tôi đã học được tiếng Hán trong mộng, nhưng họ đều cho rằng tôi đang nói dối, và nghĩ rằng tôi có vấn đề về thần kinh.” Từ đó về sau ông giữ kín bí mật về việc mình học chữ Hán trong mơ.

Ví dụ 18: 

Chất Benzene được phát hiện năm 1825, trong khoảng thời gian mấy chục năm về sau, người ta vẫn mãi không biết được kết cấu của nó. 

Tất cả các bằng chứng đều cho thấy rằng phân tử Benzene rất đối xứng, người ta khó có thể tưởng tượng được vì sao sáu nguyên tử Carbon và sáu nguyên tử Hydro lại có thể được sắp xếp hoàn toàn đối xứng, hình thành nên một phân tử ổn định như vậy. 

Một ngày mùa đông năm 1864, khi nhà hóa học người Đức August Kekulé ngủ gật trước lò sưởi, các nguyên tử và phân tử bắt đầu nhảy múa trong huyễn tượng, một chuỗi các nguyên tử Carbon giống như một con rắn tự cắn lấy đuôi mình và quay vòng trước mặt ông. 

Sau khi bừng tỉnh giấc, August Kekulé hiểu được phân tử Benzene là một vòng tròn, cũng chính là hình lục giác đều mà ngày nay có khắp trong các cuốn sách giáo khoa hóa hữu cơ của chúng ta.

Ví dụ 19: 

Trước khi ngành sản xuất may mặc được công nghiệp hóa, khái niệm về kim khâu của mọi người đều giống nhau: đầu xỏ kim và đầu nhọn của kim là hai đầu hoàn toàn khác nhau, do đó mà khi kim xuyên qua vải rồi mới đến sợi chỉ xuyên qua vải. 

Đối với may thủ công mà nói điều này không có vấn đề gì, nhưng máy may công nghiệp cần làm cho sợi chỉ xuyên qua vải trước. Các nhà phát minh khi đó chọn phương pháp hai đầu kim hoặc nhiều kim, nhưng hiệu quả đều không cao. 

Vào thập niên 40 của thế kỷ 19, một người Mỹ tên là Elias Howe ôm phiền não vì không thể giải quyết được vấn đề này mà đi vào giấc ngủ, ông mơ thấy một nhóm người tàn bạo muốn cắt đầu ông và nấu ông để ăn, ông vừa cố sức leo ra khỏi nồi vừa tránh dao cắt, nhưng bị nhóm người hung dữ đó dùng cây giáo dài dọa ông, lúc này ông nhìn thấy trên đầu nhọn của cây giáo dài đó có kẽ hở. 

Giấc mơ này đã làm ông từ bỏ các nguyên lý may thủ công, và thiết kế ra cây kim có đoạn cong với kẽ hở ở đầu kim, kết hợp với sử dụng con thoi để buộc chỉ. 

Năm 1845, mô hình đầu tiên của ông nổi tiếng thế giới, mỗi phút có thể khâu 250 mũi kim, nhanh hơn cả vài công nhân lành nghề cùng làm một lúc, từ đó nguyên lý may công nghiệp cho năng suất cao đã thực sự ra đời.

Ví dụ 20: 

Mười mấy năm trước khi đang nghiên cứu Chu Dịch, tôi từng có rất nhiều nghi vấn không tìm được lời giải đáp. Tôi nhớ có một lần đang suy nghĩ về vấn đề liên quan đến ý nghĩa của các chữ số trong tiếng Trung, tôi không hiểu lắm về chữ “四” (tứ, số bốn). 

Một buổi tối nọ tôi mang theo nghi vấn này mà đi ngủ. Tối đó tôi mơ một giấc mơ, trong giấc mơ tôi thấy hiện ra trước mắt tôi ba cái phích nước nóng với màu sắc khác nhau và một cái ấm đun nước, tỉnh dậy tôi liền ngộ được hàm nghĩa của “tứ”, tức là “chuyển ngoặt”, “chuyển hướng”, “chuyển biến”, ngoài ra chữ số “tứ” còn có hàm ý là “đình chỉ”.

Trên đây chỉ đưa ra một số ví dụ liên quan đến giấc mơ truyền đạo thụ nghiệp, kỳ thực những giấc mơ như vậy tôi đã gặp vô cùng nhiều.

Ví như khoảng thời gian trước đây khi tôi viết bài “Thuyết giảng về Thái Cực đồ” cũng đã gặp một vấn đề, đó là mắt của hai cá âm dương trong Thái Cực đồ tại sao lại là màu trắng và trong suốt, tôi cũng đã tìm được lời giải đáp trong mộng, tôi cho rằng Trời đã gợi ý cho tôi điều đó.

说梦 THUYẾT MỘNG [3] 与出生有关的梦

[Dự Xuất Sanh Hữu Quan Đích Mộng]

(照远 / Chiếu Viễn)

Những giấc mơ báo trước về sự ra đời của một người nào đó xảy ra trước khi người đó chào đời, cha mẹ, ông bà của người đó, thậm chí một người khác đã nằm mơ thấy lai lịch, đặc điểm, cá tính, tiền đồ,… thậm chí sứ mệnh lịch sử của người đó. 

Ví dụ, trước khi Lý Bạch sinh ra, mẹ ông đã từng mơ thấy Thái Bạch Kim Tinh, vì thế bà đặt tên con là Lý Bạch, tự Thái Bạch. Trước khi thi nhân thời Bắc Tống là Quách Tường Chính chào đời, mẹ ông đã mơ thấy Lý Bạch. 

Thuở nhỏ Quách Tường Chính từng đến thăm Mai Nghiêu Thần, một thi nhân nổi tiếng theo chủ nghĩa hiện thực giảng dạy tại Quốc Tử Giám, Quách Tường Chính gửi thơ của mình cho Mai Nghiêu Thần xem, Mai Nghiêu Thần đọc xong kinh ngạc nói: “Đây chính là thiên tài, đúng là hậu sinh của Thái Bạch!” và sáng tác bài thơ “Thái Thạch Nguyệt” tặng cho Quách Tường Chính. 

Khi đó các danh sỹ trên thi đàn như Trịnh Hải, Phan Hưng Tự cũng ca ngợi Quách Tường Chính là “Giang Nam hựu hữu trích tiên nhân”, “Nhân nghi Thái Bạch thị trùng sinh” 

(Thần Tiên lại giáng hạ xuống vùng Giang Nam; 

Lẽ nào là Thái Bạch chuyển sinh).

Những ví dụ sau đây đa phần đều mang màu sắc dự ngôn, nhưng lại có điểm khác biệt so với những dự ngôn thông thường, cho nên khi giới thiệu tới độc giả, chúng tôi xếp chúng vào một thể loại giấc mơ.

Ví dụ 1: 

Đường Thúc Ngu thời nhà Tấn là con trai của Châu Võ Vương, em trai của Châu Thành Vương. Mới đầu, khi Châu Võ Vương và mẹ của Thúc Ngu gặp nhau, mẹ của Đường Thúc Ngu mơ thấy ông Trời nói với Châu Võ Vương rằng: 

“Ta cho con sinh một đứa con trai, tên là Ngu, ta ban cho nó Đường quốc (Đường quốc là một nước chư hầu từ thời Hạ Thương Châu cho đến thời Xuân Thu Chiến Quốc).” 

Sau đó Võ Vương phu nhân sinh hạ một bé trai, nhìn thấy trong lòng bàn tay bé trai quả nhiên có ghi chữ “Ngu”, cho nên bé trai được đặt tên là “Ngu”. 

Sau khi Châu Võ Vương tạ thế, Châu Thành Vương kế vị (lúc này Châu Thành Vương còn nhỏ tuổi, Châu Công tức Cơ Đán là chú của Châu Thành Vương làm phụ chính phò tá Châu Thành Vương), nước Đường xảy ra bạo loạn, Châu Công chiếm được Đường quốc. 

Một hôm, Châu Thành Vương và Thúc Ngu chơi trò chơi, Thành Vương cắt một chiếc lá cây ngô đồng thành hình ngọc khuê đưa cho Thúc Ngu và nói: 

“Ta phong cho đệ phần đất này”. Thế là sử quan thỉnh xin chọn một ngày đẹp để phong Thúc Ngu làm chư hầu. Châu Thành Vương nói: “Ta chỉ nói đùa với đệ ấy thôi !” 

Sử quan nói: “Thiên tử không nói chơi bao giờ. Chỉ cần nói ra, sử quan liền ghi chép lại đúng sự thật, làm theo đúng nghi lễ, rồi mở tiệc ăn mừng.” 

Vậy là Châu Thành Vương phong Đường quốc cho Thúc Ngu. Đường quốc ở phía đông Hoàng Hà và Phần Hà, chu vi 100 dặm, cho nên gọi là Đường Thúc Ngu, họ Cơ, tự Tử Vu. 

(Theo quyển 39 “Tấn Thế Gia”, Sử Ký)

Ví dụ 2: 

Vệ Tương Công trị vì nước Vệ thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc, tạ thế năm 535 TCN. Vệ Tương Công có một người tiểu thiếp rất được ông sủng ái, khi cô mang thai từng mơ thấy có người nói với cô: 

“Ta là Khang Thúc, ta nhất định sẽ để con trai cô được hưởng uy quyền của nước Vệ, con trai của cô sẽ lấy tên là ‘Nguyên’.” 

Cô tiểu thiếp này tỉnh dậy vô cùng kinh ngạc, liền đi hỏi Khổng Thành Tử. Khổng Thành Tử nói: “Khang Thúc chính là người khai sáng ra nước Vệ.” 

Đến khi cô tiểu thiếp sinh con, quả đúng là một bé trai, cô bèn đem chuyện trong mộng kể lại cho Vệ Tương Công. Tương Công nói: “Đây là an bài của Trời !” 

Thế là ông đặt tên con là Nguyên, do lúc đó vợ chính của Tương Công chưa sinh con trai, ông bèn lập cậu bé Nguyên làm con trai trưởng, đặt là Vệ Linh Công. 

(Theo “Vệ Khang Thúc Thế Gia”, quyển 37 “Vệ Khang Thúc Thế Gia Đệ Thất”, Sử Ký)

Ví dụ 3: 

Khi xưa, vua nước Yên là Tàng Đồ có một người cháu gái tên là Tàng Nhi, gả cho Vương Trọng ở Hòe Lý. Sau khi cô sinh hạ được một người con trai là Vương Tín và hai người con gái thì Vương Trọng qua đời; Tàng Nhi bèn tái giá đến nhà họ Điền người Trường Lăng, sinh được hai người con trai là Điền Hòa và Điền Thắng. 

Đến thời Hán Văn Đế, con gái lớn của Tàng Nhi được gả cho Kim Vương Tôn và sinh được người con gái là Kim Tục. Khi Tàng Nhi xem bói vận mệnh cho con trai và con gái, thầy bói nói: “Hai người con gái của cô đều có có số mệnh cao quý.” 

Tàng Nhi liền đòi lại con gái từ nhà Kim Vương Tôn, Kim Vương Tôn vô cùng tức giận, không muốn chia tay vợ. Nhưng cuối cùng Tàng Nhi vẫn đưa con gái lớn vào cung thái tử, cô sinh được người con trai là Lưu Triệt. Khi cô mang thai Lưu Triệt từng mơ thấy Mặt Trời tiến vào trong bụng cô. 

(Theo Tư Trị Thông Giám)

Ví dụ 4: 

Chuyện về Hán Vũ Đế Lưu Triệt, trong Thái Bình Quảng Ký còn có ghi chép như sau, đoạn ghi chép này mô tả lại cảnh trong giấc mơ của Hán Cảnh Đế Lưu Khởi, cha của Hán Vũ Đế:

Hoàng đế Hán Hiếu Vũ Lưu Triệt là con trai của Hán Cảnh Đế Lưu Khởi, trước khi Vũ Đế sinh ra, Cảnh Đế nhìn thấy một con rồng màu đỏ từ trong mây bay xuống và tiến thẳng vào trong cung Sùng Phương Các. 

Cảnh Đế giật mình tỉnh giấc. Ông liền đến Sùng Phương Các, ngẩng đầu lên nhìn, quả nhiên có một con rồng màu đỏ đang bay lượn trong không trung che phủ hết các cửa sổ của Sùng Phương Các. 

Các phi tần trong cung cũng nhìn thấy trên Sùng Phương Các có áng mây màu đỏ lờ mờ che phủ. Sau khi áng mây đỏ tan đi, liền nhìn thấy một con rồng đỏ lượn vòng giữa xà ngang trong cung.

Cảnh Đế liền triệu vị thầy bói là Diêu Ông đến thỉnh giáo, Diêu Ông nói: “Đây là điềm báo đại cát đại lợi. 

Tại Sùng Phương Các này nhất định sẽ xuất sinh ra một người nắm giữ vận mệnh của quốc gia, người ấy sẽ bình định dị tộc Di, Địch ở phương bắc, làm cho vận nước hưng thịnh, trở thành một vị minh chủ trong thời kỳ hưng thịnh của vương triều họ Lưu. 

Nhưng vị minh chủ này cũng sẽ làm ra rất nhiều chuyện kỳ quái.”

Sau đó Cảnh Đế lại mơ thấy một vị nữ Thần hai tay bưng Mặt Trời trao cho Vương phu nhân (con gái lớn của Tàng Nhi), Vương phu nhân liền nuốt Mặt Trời vào bụng. Vương phu nhân mang thai 14 tháng mới sinh ra Vũ Đế, Cảnh Đế nói: 

“Ta mơ thấy khói mây màu đỏ hóa thành rồng đỏ, thầy bói nói là điềm báo cát tường, cho nên đứa con trai này có thể lấy tên là “Cát”.

Khi Vũ Đế được ba tuổi, Cảnh Đế bế con trên đầu gối, biết đứa bé này vô cùng thông minh, liền hỏi con rằng có muốn làm hoàng đế hay không. Vũ Đế nói: 

“Việc này là do Thiên thượng an bài, không phải do bản thân con quyết định. Nhưng mà con muốn hằng ngày ở trong cung, vui chơi bên phụ thân, con nhất định sẽ không xấc xược vô lễ mà sẽ làm tận trách nhiệm của người con.” 

Cảnh Đế nghe xong, trong lòng lại càng thêm kinh ngạc, từ đó ông rất chú ý dạy dỗ bồi dưỡng đứa bé này.

Ví dụ 5: 

Thời Tam Quốc, năm thứ 20 Kiến An, trước khi Can phu nhân sinh con trai cho Lưu Bị, đặt tên là Lưu Thiền. Một đêm có một con hạc bay đến đậu ở trên cung điện, cất cao hơn 40 tiếng hót rồi bay về hướng tây. Lúc sắp sinh, mùi hương kỳ lạ bay khắp phòng. 

Ban đêm, Can phu nhân nằm ngủ mơ thấy mình ngẩng mặt lên nuốt sao Bắc Đẩu, vì thế mà mang thai, cho nên bà đặt tên mụ cho con là A Đẩu. 

(Theo hồi 34, Tam Quốc Diễn Nghĩa)

Ví dụ 6: 

Theo Tấn Thư ghi chép, Hiếu Vũ Hoàng Đế triều Tấn là Tư Mã Diệu, tự Xương Minh, ông là con trai thứ 3 của Giản Văn Đế. Lúc đầu, Giản Văn Đế từng nhìn thấy có lời sấm nói: 

“Tấn tộ tận Xương Minh” 

(Đời nhà Tấn kết thúc ở Xương Minh). 

Trước khi Tư Mã Diệu ra đời, Lý thái hậu mơ thấy có vị Thần nói với bà: 

“Con sẽ sinh một bé trai, lấy tự là Xương Minh”. 

Khi Tư Mã Diệu chào đời cũng là lúc bình minh, cho nên có tên là Xương Minh. Giản Văn Đế sau này mới minh bạch được hàm nghĩa của câu sấm năm xưa, ông đau xót mà rơi lệ. 

(Sau khi Tư Mã Diệu qua đời không lâu, vận nước của triều Tấn dần dần đi xuống, chiến loạn liên miên, hai mươi mấy năm sau, triều Tấn diệt vong).

Ví dụ 7: 

Thời Bắc Chu, Hứa quốc công Vũ Văn Quý, tự Vĩnh Quý, tổ tiên của ông là người Đại Cức, Xương Lê, về sau di cư đến Hạ Châu (nay là vùng đông bắc huyện Tịnh Biên, tỉnh Thiểm Tây). 

Cha của ông là Vũ Văn Mạc Đậu Can, trong những năm Bảo Định vì lập công lao to lớn nên được truy phong làm Trụ quốc đại tướng quân, thiếu phó, Hạ Châu sách sử, An Bình quận công. Khi mẹ của Vũ Văn Quý mới mang thai ông, bà mơ thấy có một ông lão tay bế một đứa bé đưa cho bà và nói: 

“Ta ban cho con đứa bé này để con trường thọ và được hưởng phú quý.” 

Sau khi Vũ Văn Quý chào đời, hình dáng trông rất giống với đứa bé trong giấc mơ, vì thế mà lấy tên chữ là Vĩnh Quý. Từ nhỏ Vĩnh Quý đã bái sư học kinh sử, về sau có chí kiến lập sự nghiệp, liền bỏ văn tập võ. 

Những năm cuối Chính Quang Hiếu Minh Đế triều Bắc Ngụy, quân dân sáu trấn ở phương bắc không chịu được sự bóc lột của trấn tướng, cuối cùng nổ ra cuộc khởi nghĩa lớn, sáu trấn trong ngoài Trường Thành nhanh chóng bị quân khởi nghĩa khống chế. 

Khi quân khởi nghĩa của Phá Lục Hàn Bạt Lăng ở Ốc Dã trấn (nay thuộc Ngũ Nguyên ở Nội Mông Cổ) tấn công Hạ Châu, thứ sử Hạ Châu Nguyên Tử Ung triệu gọi Vũ Văn Quý giữ thành, nhận chức trách thống lĩnh quân. 

Về sau, Vũ Văn Quý dưới quyền lãnh đạo của Nhĩ Chu Vinh tham gia trấn áp quân khởi nghĩa của Cát Vinh, nổi tiếng nhờ vào khả năng tác chiến dũng mãnh nên được đề bạt làm biệt tướng, sau đó làm đại đô đốc, rất được Chu Văn Đế trọng dụng. 

(Theo Bắc Sử)

Ví dụ 8: 

Bắc Ngụy Tuyên Vũ Đế Nguyên Khác (483 – 515) thời kỳ Nam Bắc triều, là con thứ của Bắc Ngụy Hiếu Văn Đế Nguyên Hồng, mẹ ruột của ông là Văn Chiêu hoàng hậu Cao Chiếu Dung, ông là vị hoàng đế thứ tám triều Bắc Ngụy, tại vị năm 499 đến năm 515. 

Năm xưa, mẹ của Nguyên Khác từng mơ thấy Mặt Trời đuổi theo, bà trốn dưới gầm giường, Mặt Trời biến thành rồng, quấn mấy vòng quanh người bà, Cao Chiếu Dung tỉnh lại hồi hộp sợ hãi không ngớt, sau đó bà mang thai; ngày mùng 05 tháng 04 nhuận, năm thứ bảy Thái Hòa (năm 483), Cao Chiếu Dung sinh hạ Nguyên Khác. 

(Theo quyển 4 “Ngụy Bản Ký đệ tứ”, Bắc Sử)

Ví dụ 9: 

Thượng Quan Chiêu Dung triều Đường, khi mẹ cô mới mang thai cô, từng mơ thấy có một vị Thần Tiên đưa cho bà một cái cân rất lớn, dùng nó có thể cân cả thiên hạ. 

Sau khi Thượng Quan Chiêu Dung chào đời được hai tháng, người mẹ Trịnh Thị nói đùa với con: 

“Con chính là người cân đo cả thiên hạ có đúng không ?” 

Đứa bé liền ê a trả lời: “Đúng !” 

Thời thơ ấu gia đình gặp nạn, Thượng Quan Chiêu Dung theo mẹ Trịnh Thị vào Dịch Đình (nơi ở của các phi tần trong cung). Năm 14 tuổi, Chiêu Dung thông minh nhanh nhẹn, hiểu biết sâu rộng, tỏ ra là một người tài hoa không ai sánh kịp. 

Hoàng hậu Tắc Thiên nghe nói vậy liền muốn kiểm tra cô, thấy cô vừa nhấc bút đặt lên giấy, văn chương lập tức tuôn ra, giống như đã chuẩn bị sẵn trong đầu. Từ năm Vũ Châu Thông Thiên cho đến trước khi kiến lập Cảnh Long Văn Quán, cô chưởng quản công việc viết chiếu thư cho Võ Tắc Thiên. 

Các kế sách lớn của triều đình, xét xử việc quan trọng, phần nhiều đều do cô xem xét quyết định. Còn về việc tìm kiếm nhân tài xuất chúng, chiêu mộ người giỏi văn chương, cô lại càng dốc hết sức mình để làm. 

Suốt thời gian đó, trong nước xuất hiện nhiều nhân sĩ giỏi văn chương, triều đình cũng ít thấy những vị quan không học hành. Hơn 20 năm đó, người dân sống cảnh thanh bình, của rơi ngoài đường không ai nhặt, đây là nhờ công lao phò tá triều chính của Thượng Quan Chiêu Dung. 

Nhưng những năm cuối đời, cô lại câu thông với băng đảng bên ngoài cung giở trò mánh khóe, vì thế đã trở thành nhân vật nguy hiểm của triều đình, khi Đường Huyền Tông dẫn quân dẹp loạn, Thượng Quan Chiêu Dung đã tự sát. 

(Theo Cảnh Long Văn Quán Ký)

Ví dụ 10: 

Tiết Hạ người Thiên Thủy là người học rộng tài cao hiếm có trên đời. Khi mang thai ông, mẹ ông từng mơ thấy có người đưa đến một rương quần áo và nói: “Cô nhất định sẽ sinh một đứa con trai tài đức sáng suốt, được đế vương tôn sùng.” 

Bà ghi nhớ kỹ thời gian mơ giấc mơ này, Tiết Hạ chào đời và khi lớn đến khoảng 20 tuổi quả nhiên học thức hơn người. Ngụy Văn Đế cùng ông đàm luận cả ngày không nghỉ. Tư tưởng của ông sâu sắc, cách dùng từ hoa mỹ, không có vấn đề gì làm khó được ông. Ngụy Văn Đế nói: 

“Năm xưa Công Tôn Long được coi là có tài tranh biện, nhưng ông ta bảo thủ mà lại cuồng vọng. Hôm nay những điều khanh nói đều là những lời của thánh nhân, chỉ có thế hệ Tử Du, Tử Cống (học trò của Khổng Tử) mới sánh kịp. Nếu thầy Khổng Tử ở nước Ngụy thì nhất định sẽ đến thăm khanh.” 

Nói xong, Ngụy Văn Đế tự tay đề chữ “Nhập Thất Sinh” cho Tiết Hạ. Về sau ông trở thành Mật thư thừa (một chức quan). Nhà ông rất nghèo, Ngụy Văn Đế cởi áo của mình đưa cho ông, điều này giống với giấc mơ của mẹ ông. Khi đó ông rất nổi danh, là người hào hoa phong nhã được người đời ngưỡng mộ. 

(Theo Vương Tử Niên Thập Di Ký)

Ví dụ 11: 

Quán Vân Thạch (1286 – 1324) còn gọi là Tiểu Vân Thạch Hải Nhai, là tác gia Tản khúc thời nhà Nguyên, là một thi nhân và văn nhân nổi tiếng người dân tộc Duy Ngô Nhĩ, ông tinh thông Hán văn, lại có văn võ song toàn. 

Mẹ của ông là Liêm Thị, từng mơ thấy có vị Thần đưa một ngôi sao lớn cho bà nuốt vào bụng, sau đó bà lập tức mang thai. Đến khi sinh con, đứa bé thần thái khác thường, khi được 23 tuổi, sức khỏe hơn người, về sau nhiều lần lập kỳ công, được mời làm học sĩ hàn lâm, Trung phụng đại phu và Tri chế cáo đồng tu quốc sử. 

(Theo Nguyên Sử)

Ví dụ 12: 

Mẹ của Trương Thuyết thời Đường từng mơ thấy một con chim Ngọc Oanh từ hướng đông nam bay tới lao vào bụng bà, sau đó bà mang thai Trương Thuyết, về sau Trương Thuyết quả nhiên được phong làm Tể tướng. 

(Theo Khai Nguyên Thiên Bảo Di Sự)

Ví dụ 13: 

Dương Hoán, tự Hoán Nhiên, người Phụng Thiên, Càn Châu, là một nhà văn và nhà chính trị nổi tiếng triều Nguyên. Mẹ của Dương Hoán trước lúc chuyển dạ có mơ thấy ánh Mặt Trời từ hướng đông nam chiếu thẳng đến, rồi bỗng nhiên một vị Thần giáng lâm. 

Vị Thần đó tay cầm bút đưa cho đứa bé trong bụng. Một lúc sau, Dương Hoán cất tiếng khóc chào đời. Bởi vì có điềm báo trước, nên mẹ của ông lấy tên cho ông là “Hoán” (một trong 64 quẻ trong Kinh Dịch), ứng với quẻ tượng của sự văn vẻ. Về sau Dương Hoán quả nhiên thành tựu sự nghiệp văn học hơn người. 

(Theo “Dương Hoán truyện”, Nguyên Sử)

Ví dụ 14: 

Ngu Tập (1272 – 1348) là một trong bốn nhà nho nổi tiếng triều Nguyên; là một học giả, thi nhân nổi tiếng, tên là Bá Sinh, hiệu là Đạo Nguyên, được mọi người gọi là Thiệu Am tiên sinh. 

Cha của Ngu Tập là Ngu Cấp lấy vợ tên Dương Thị, Dương Thị là con gái của Quốc tử tế tửu Dương Văn Trọng. Do đã lấy vợ nhiều năm nhưng chưa có con, nên Ngu Cấp và Dương Văn Trọng đã đến Hành Sơn khu Nam Nhạc bái Phật cầu tự. 

Khi Ngu Tập sắp ra đời, buổi sáng sớm Dương Văn Trọng tỉnh dậy, sau khi mũ áo chỉnh tề rồi ông ngồi ngủ một giấc, mơ thấy một vị Đạo sĩ đến trước cửa, sau đó có người đến bẩm báo: “Nam Nhạc chân nhân đến gặp”. 

Tỉnh dậy thì nghe được tin vợ mình đã sinh được một bé trai, trong lòng thấy vô cùng kinh ngạc. 

(Theo Nguyên Sử)

Ví dụ 15: 

Lã Tư Thành (1923 – 1357), tự Trọng Thực, người Bình Định, là một đại thần tương đối nổi tiếng triều Nguyên. Ông từng nhậm các chức Ngự sử, Thị giảng học sĩ kiêm Quốc tử tế tửu ở Tập Hiền Viện, Hồ Quảng tham chính, Trung thư tham tri chính sự, Tả thừa sau chuyển sang Ngự sử trung thừa, Hàn lâm học sĩ của Quốc tử giám, quan kiểm duyệt biên sử ở viện Hàn lâm quốc sử, v.v. 

Lã Tư Thành tính tình cương trực, quật cường, dám khuyên can thẳng lời. Các tác phẩm nổi tiếng của ông có Giới Hiên Tập, Lưỡng Hán Thông Kỷ, Chính Điện Cử Yếu, Lĩnh Nam Tập. 

Mẹ ông là Phùng Thị từng mơ thấy một người đàn ông quấn khăn trùm đầu màu đen, mặc áo trắng, thắt dây đai màu đỏ, bước nhanh đến trước mặt bà hai tay chắp lễ nói: “Ta chính là Văn Xương Tinh.” 

Tỉnh dậy, Tư Thành liền chào đời, trong mắt có mang theo luồng ánh sáng thần kỳ, ai nhìn thấy cũng cảm thấy vô cùng kỳ lạ. 

(Theo Nguyên Sử)

Ví dụ 16: 

Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, nguyên quán ở huyện Bái (nay thuộc tỉnh Giang Tô), sau đó chuyển đến Câu Dung, rồi lại chuyển đến Tứ Châu. 

Cha tên là Chu Thế Trân, lúc đầu từ Tứ Châu chuyển đến Chung Ly, Hào Châu, và sinh được bốn người con, Chu Nguyên Chương là con thứ hai. Mẹ ông họ Trần, khi mới mang thai ông, bà mơ thấy có vị Thần cho mình một viên thuốc. 

Khi được cầm trong lòng bàn tay, viên thuốc đó phát ra ánh sáng lấp lánh, bà liền nuốt vào bụng rồi tỉnh lại, khi tỉnh lại trong miệng vẫn còn vị thơm của thuốc. Đến khi sinh Chu Nguyên Chương, ánh sáng đỏ khắp phòng, từ đó ban đêm nhiều lần có ánh sáng chiếu rọi. 

Hàng xóm nhìn từ xa sợ hãi tưởng cháy nhà nên chạy tới giúp đỡ, nhưng khi đến nơi thì không thấy có gì cả. Sau khi Chu Nguyên Chương trưởng thành, dáng vẻ tài năng đều xuất chúng, tướng mạo phi thường, chí hướng cao xa, người khác nhìn khó mà đoán biết. 

(Theo “Thái Tổ Bản Ký”, Minh Sử)

Ví dụ 17: 

Minh Tuyên Tông Chu Chiêm Cơ (1398 – 31/01/1435) người Hán, là vị hoàng đế thứ năm của triều Minh. Ông là con trai trưởng của Minh Nhân Tông Chu Cao Sí, thuở nhỏ Chu Chiêm Cơ rất được ông nội Chu Lệ và cha yêu mến, khen ngợi. 

Trước hôm Chu Chiêm Cơ chào đời, Minh Thành Tổ Chu Lệ mơ thấy Thái Tổ Chu Nguyên Chương đưa cho ông một miếng ngọc lớn rồi nói: “Truyền cho con cháu, vĩnh thế hưng thịnh.” 

Khi Tuyên Tông đầy tháng, Minh Thành Tổ trông thấy nói: “Đứa bé này tràn đầy khí khái anh hùng, giống với giấc mơ của ta.” 

Khi hơi lớn một chút, Tuyên Tông đã thích thơ, kiến thức hơn người. 

(Theo “Tuyên Tông Bản Ký”, Minh Sử)

Ví dụ 18: 

Lý Tự Thành là người Mễ Chỉ, Thiểm Tây. Tổ tiên Lý Tự Thành nhiều đời cư trú tại Hoài Viễn Bảo, trại Lý Kế Thiên. Cha là Lý Thủ Trung, sau khi lấy vợ nhiều năm vẫn chưa có con, liền lên núi Hoa Sơn cầu khấn, rồi ông mơ thấy Thần nói với mình rằng: “Ta cho Phá Quân Tinh làm con trai ngươi.” 

Rồi sau đó sinh được người con trai là Lý Tự Thành. Lý Tự Thành thuở nhỏ tên là Ngải Thị Mục Dương, lớn lên giữ chức Ngân Xuyên Dịch Trạm của một trạm lính. Lý Tự Thành giỏi cưỡi ngựa bắn tên, hung ác vô lại, nhiều lần phạm pháp. Tri huyện Yến Tử Tân bắt Lý Tự Thành về quy án, khi sắp bị dồn vào chỗ chết, Lý Tự Thành thoát được và từ đó trở thành kẻ đồ tể. 

Những năm cuối Thiên Khải (niên hiệu Minh Hy Tông Chu Do Hiệu (1621 – 1627)), phe cánh của Ngụy Trung Hiền là Kiều Ưng Giáp làm tuần phủ Thiểm Tây, Chu Đồng Mông làm tuần phủ Diên Tuy, họ tham ô không làm tròn trách nhiệm, không chịu xét xử đạo tặc, từ đó đạo tặc bắt đầu làm loạn. 

(Theo “Truyện về Lý Tự Thành”, Minh Sử)

Ví dụ 19: 

Vương Thủ Nhân (Vương Dương Minh) được gọi là “nhà Nho toàn năng”, nổi tiếng là một nhà tư tưởng, nhà văn học, nhà triết học và nhà quân sự. (Ông là người phát triển học phái Lục Vương tâm học – một học phái của Nho giáo). Vương Thủ Nhân cũng là người tinh thông Nho gia, Đạo gia, Phật gia.

Mẹ của Vương Thủ Nhân mang thai ông 14 tháng mới sinh. Khi mang thai Vương Thủ Nhân, bà của ông mơ thấy có vị Thần Tiên cưỡi mây ngũ sắc đưa một đứa bé xuống, cho nên bà mới đặt tên cho cháu trai mình là Vân. 

Đến năm năm tuổi, Vương Thủ Nhân vẫn chưa biết nói, có một người biết Đạo thuật đến vỗ về rồi đổi tên ông thành Thủ Nhân, từ đó Vương Thủ Nhân mới biết nói. 

Năm 14 tuổi, ông từng đến chơi gần vùng Cư Dung Quan và Sơn Hải Quan. Ông thường hay trà trộn vào người dân đi ra khỏi vùng biên cương, để phóng tầm mắt quan sát địa hình núi sông. 

Đến năm 20 tuổi, ông trúng cử khoa thi hương, từ đó sự nghiệp học hành của ông tiến triển tốt.

Ví dụ 20: 

Sử Khả Pháp, tự Hiến Chi, nguyên quán ở Đại Hưng, nhưng ông lại là người huyện Tường Phù. Nhà ông được hưởng phong thường áo gấm truyền đời. 

Ông nội là Sử Ưng Nguyên, thi đỗ khoa thi hương, khi làm tri châu tại Hoàng Bình đã làm rất nhiều việc tốt cho bách tính. Ông từng nói với con trai Sử Tòng Chất rằng: “Gia đình ta nhất định sẽ hưng vượng”. 

Vợ của Tòng Chất mơ thấy Văn Thiên Tường đến nhà, rồi mang thai, sinh hạ Sử Khả Pháp. Khả Pháp từ nhỏ đã nổi tiếng hiếu thuận. Năm Sùng Trinh (1628) Sử Khả Pháp thi đỗ tiến sĩ và nhận lệnh làm thôi quan ở phủ Tây An, không lâu sau được thăng chức làm Hộ bộ chủ sự. Sử Khả Pháp cũng từng làm Viên ngoại lang và Lang trung. 

(Theo “Truyện về Sử Khả Pháp”, Minh Sử)

Ví dụ 21: 

Vũ Minh hoàng hậu Lâu Chiêu Quân nước Bắc Tề (501 – 562), người Bình Thành, quận Đại (nay thuộc Đại Đồng, Sơn Tây), dân tộc Tiên Ty, là con gái của Tư đồ Lâu Nội Can, vợ của Bắc tề vương Điện Cơ Nhân – Cao Hoan, là mẹ ruột của Bắc Tề vương Văn Tuyên Đế – Cao Dương. 

Năm thứ 10 Thiên Bảo (niên hiệu của Văn Tuyên Đế), Cao Ân kế vị, sau đó bị phế truất. Lâu Chiêu Quân được phong làm Thái hoàng thái hậu. 

Thái hậu có tổng cộng sáu người con trai và hai người con gái, khi mang thai đều có giấc mộng báo trước: 

mang thai Văn Tương bà mơ thấy có một đoạn thân rồng bị đứt; 

mang thai Văn Tuyên, bà mơ thấy một con rồng lớn có dáng vẻ làm người ta kinh sợ, đầu và đuôi nối liền trời đất, mở miệng ra thì mắt chuyển động; 

mang thai Hiếu Chiêu thì mơ thấy một con rồng trên mặt đất; 

mang thai Vũ Thành thì mơ thấy rồng đang tắm dưới biển; 

mang thai hai người con gái (sau đều làm hoàng hậu) đều mơ thấy có trăng tiến nhập vào trong bụng; 

mang thai hai vị vương là Tương Thành vương và Bác Lăng vương, bà đều mơ thấy có chuột chui vào trong quần áo. 

Khi hoàng hậu chưa băng hà, có bài đồng dao nói “Người mẹ của cửu long sau khi chết không được để tang.” 

Đến khi bà băng hà, Vũ Thành không thay đổi quần áo, mà vẫn mặc y bào màu đỏ như thường ngày. Không lâu sau, ông ta lên Tam Đài, tổ chức tiệc rượu tấu nhạc. Con gái của hoàng đế dâng lên y bào màu trắng, hoàng đế tức giận ném xuống dưới đài. Hòa Sĩ Khai thỉnh cầu cho dừng tấu nhạc, hoàng đế vô cùng tức giận, đánh Hòa Sĩ Khai. Hoàng đế đứng thứ chín trong các anh em, điều này ứng nghiệm với câu đồng dao trên. 

(Theo Bắc Tề Thư)

Ví dụ 22: 

Cha của Vương Tằng thời Tống, mỗi khi nhìn thấy trên mặt đất có tờ giấy có chữ, ông đều thu gom lại rồi dùng hương thơm rửa sạch sau đó mới đốt bỏ đi. Ông thường hay phát nguyện trong tâm rằng: “Hy vọng con cháu ta có thể hiển vinh nhờ tài văn chương.” 

Một buổi tối, ông mơ thấy Khổng Tử vỗ lưng mình rồi nói: “Ngươi tôn trọng những giáo lý của ta và chăm chỉ thực hành như vậy ! Chỉ đáng tiếc là ngươi đã lớn tuổi rồi, không thể có được thành tựu gì nữa, sau này ta sẽ cho Tăng Sâm chuyển sinh vào nhà ngươi, để làm rạng rỡ tổ tiên nhà ngươi.” 

Không lâu sau, quả nhiên nhà ông sinh được một người con trai, vì thế mà ông đặt tên cho con là “Tăng”, về sau Vương Tăng thi đỗ Trạng nguyên. 

(Theo Sâm Học Đại Thành Văn Tập)

Những giấc mơ báo trước sự ra đời luôn tồn tại từ xưa đến nay ở khắp mọi nơi, những giấc mơ như vậy được ghi chép rất nhiều trong các sách sử, rất nhiều bậc đế vương, tướng lĩnh, quan thần và những văn nhân nổi tiếng trước khi chào đời thì mẹ hoặc người thân của họ đã có những giấc mơ báo trước về họ. 

Những cảnh tượng trong giấc mơ phản ánh một cách rõ nét đặc điểm tính cách, sự nghiệp tương lai của họ, thậm chí có giấc mơ còn ẩn chứa những bí ẩn của sinh mệnh. 

Ví như mẹ của Sử Tư Pháp sau khi mơ thấy Văn Thiên Tường đến nhà thì mang thai, rồi sinh ra Sử Tư Pháp, hai người này lại có đặc điểm cá tính và những trải nghiệm cuộc sống rất giống nhau, phải chăng chúng ta có thể liên tưởng đến Sử Tư Pháp chính là lần chuyển sinh vào triều Minh của Văn Thiên Tường ? 

Vậy liên tưởng đến bản thân chúng ta, phải chăng chúng ta cũng đều có lai lịch và sứ mệnh của mình trong đời này ?


Comments

Popular posts from this blog

Century of Humiliation | Bách Niên Quốc Sỉ | 百年国耻 'Nỗi Nhục Trăm Năm' là một khái niệm sử học được dùng cho lịch sử Trung Quốc để nói tới giai đoạn các cường quốc châu Âu, Hoa Kỳ và Đế quốc Nhật Bản can thiệp và xâm chiếm lãnh thổ Trung Quốc trong khoảng thời gian từ 1839 tới 1949. Trong giai đoạn này, Trung Quốc đã đánh mất vị thế siêu cường; mất lãnh thổ; và trong nhiều khía cạnh khác thì đánh mất cả chủ quyền. Lịch sử đã minh chứng hậu quả nặng nề mà Trung Quốc phải gánh chịu từ sự tụt hậu của mình. Và cơn 'Ác Mộng Lịch Sử' này đã thôi thúc các nhà hoạch định của Trung Quốc phải tung ra chiến lược khắc chế đối thủ bằng mọi giá.

'Thần Nông Viêm Đế' (神农炎帝)