'Khảo Chứng Tiền Sử VN'
Trong quyển sách vừa xuất bản, 'Khảo chứng tiền sử Việt Nam' (NXB Tổng hợp TP HCM 2018), tôi nêu các ý sau:
1. Từ Việt trong Việt Nam có xác suất rất cao mang nghĩa nước/vùng nước (water/water area) và được trừu tượng hóa thành quốc gia đầu tiên ở hạ lưu Dương Tử trên 4000 năm trước. Các âm khác ở Á Đông cũng có cùng tiền đề hình thành với Việt gồm Vũ ( trong Đại Vũ / Hạ Vũ), Chu (Nhà Chu), Lạc (Lạc Việt), Lang (Văn Lang)...
2. Tên gọi nước Việt Nam, người Việt Nam thật ra có tuổi đời trên 700 năm, dưới triều đại rực rỡ của họ Trần. Hai chữ Việt Nam mà nhà Thanh ép Thế tổ Gia Long Nguyễn Ánh phải nhận có lẽ lấy từ Khâm Định Tứ Khố Toàn Thư của họ. Nó là thành quả ngoại giao cương trực và ngoạn mục giữa Đại Việt và nhà Nguyên. Có bằng chứng thư tịch xác nhận ngày 18.3 (âm lịch) năm 1292 hai tiếng thân thương Việt Nam đã vang lên giữa lòng Hà Nội, tại khu vực chùa Quán Sứ ngày nay.
3. Chúng tôi đã tách được chủ lưu Âu Việt (Dương Tử) và phụ hợp Lạc Việt trong quá trình hình thành lịch sử và con người Việt Nam. Các căn cứ văn hóa, xã hội, phong tục khác biệt giữa Âu Việt và Lạc Việt đã chỉ ra người Lạc Việt chính là người Tai Kadai (Thái Tráng - Choang) cổ đại, tổ tộc của Hai Bà Trưng. Đến thời Lý Trần họ vẫn bị sách vở hoàng gia gọi là man mọi.
4. Các hướng tiếp cận đã bổ sung cho nhau, đặc biệt là kết luận của công trình khám phá gene Việt được phiên bản trực tuyến của Nature công bố tháng 10.2017:
"Đứng trên quan điểm nhân chủng học, kịch bản chung là người Việt Nam ngày nay có nguồn gốc dân tộc kép: thành phần chính đến từ Hoa Nam, chồng lên thành phần phụ từ hợp chủng Thái - Indonesia. Nam tiến có lẽ là từ khóa cho sự mô tả cấu trúc di truyền của người Việt Nam hiện đại".
Từ đó, tôi mạnh dạn đề xuất mô tả ngắn gọn lịch sử Việt Nam như sau:
Trước năm 330 BC chủ nhân vùng đất từ bắc bộ Việt Nam đến Thanh Hóa - Nghệ An là các bộ tộc du canh du cư Austronesian, ngoại hình thấp lùn, da ngăm đen (giống người Chàm ngày nay).
Khi Trang Kiểu đánh chiếm và ở lại làm vua vùng hồ Điền - Côn Minh - Vân Nam, một số bộ lạc tiền Thái Tráng (dáng người cao ráo, da trắng) ở đấy bỏ chạy theo sông Hồng và sông Mã xuống Việt Nam, hòa trộn với người Austronesian bản địa, xây dựng văn hóa bộ lạc hoặc liên minh bộ lạc Đông Sơn khá rực rỡ. Chủ nhân văn hóa này được Hán sử gọi là người Lạc Việt.
Ở thời điểm Công nguyên, người Hán bắt đầu thực dân hóa Việt Nam, đó là động lực và nguyên nhân cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng.
900 năm tiếp theo, Việt Nam là nơi hội tụ và hợp huyết của các nhóm người: Lạc Việt (da hơi ngăm, tầm vóc trung bình), Âu Việt, con cháu Câu Tiễn di cư xuống từ lãnh thổ Mân Việt và Nam Việt cũ (da hơi sáng, tầm vóc trung bình, có tục cắt tóc xăm mình), quan binh người Hán viễn chinh đồn trú và tội nhân Hán đi đày hoặc lánh nạn (da trắng, cao lớn, đa số mắt một mí).
Giới tinh hoa của xã hội Việt Nam khi ấy chắc chắn có dòng máu từ mẹ Lạc Việt nhưng mang đậm nét văn hóa Âu Việt và Hán.
Năm 938, Ngô Quyền ly khai khỏi Nam Hán, lấy tên cũ của Nam Hán là Đại Việt (năm 917) để dựng nước. Rõ ràng quốc danh Đại Việt hàm ý quyền lực Việt Nam khi ấy thuộc về người gốc Âu Việt và Nam Việt. Các họ Đinh - Lê - Lý - Trần tiếp nối sau đó có lẽ đều là người Việt Nam gốc Âu Việt hoặc Hán lai Âu Việt. Hậu quả là chính sử Việt Nam bắt đầu từ thời Trần đã đưa Triệu Đà làm vua khai quốc.
Đến thời Hậu Lê, hoàng gia gốc tiền Thái Tráng đầu tiên nắm quyền ở Việt Nam. Họ dần dần loại bỏ Triệu Đà khỏi sử sách. Người miền trong Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh (gốc tiền Thái Tráng chiếm ưu thế) không tin tưởng người phía bắc (nặng gốc Âu Việt và Hán). Sự kiện gia tộc Nguyễn Trãi bị tru di hoặc gia tộc của Mạc Đăng Dung tiếm quyền, nên được nhìn thêm dưới con mắt mâu thuẫn huyết thống và văn hóa, hơn là đơn tuyến chính trị.
Cuối Minh đầu Thanh, chính trị trung ương bắc triều hỗn loạn, làn sóng di cư từ Hoa Nam xuống Việt Nam dâng cao. Thuyết Đại Việt của Lưu Nham từ năm 917 sống lại. Quang Trung có lẽ đã rất tin tưởng các đô đốc hải quân gốc Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông và Hải Nam của mình.
Ông mơ đến một nước Đại Việt hùng cường bao gồm cả Lưỡng Quảng. Giả thuyết trên càng có căn cứ hơn với đề xuất của Gia Long với Thanh triều, đặt tên mới Nam Việt cho đế quốc của ông. Nam Việt chính là phiên bản Đại Việt xưa hơn, gắn với tên tuổi Triệu Đà.
Giải pháp Việt Nam của Gia Khánh vừa uyển chuyển vừa khôn khéo loại trừ được mầm mống tư tưởng Đại Việt. Thập kỷ 30 của thế kỷ 20, Trung Quốc cũng đã phải đối mặt với một luận thuyết tương tự từ một quốc gia Đông Nam Á. Đó là thuyết Đại Thái, tuyên xưng lãnh thổ dân tộc Thái bao gồm cả Vân Nam và một số vùng đất Hoa Nam khác.
Ngày 2/9 năm 1945 lãnh tụ Hồ Chí Minh khai sinh nước Việt Nam mới, kết thúc hơn một ngàn năm phong kiến.
Tương tự như vua Nhật từng đặt niên hiệu MINH TRỊ, cụ Hồ đổi tên mình thành CHÍ MINH. Minh Trị hay Hướng Minh/Chí Minh đều xuất phát từ một câu Chu Dịch:
'Nam diện hướng minh nhi trị'
Nó nói lên ý chí độc lập của một quốc gia có chủ quyền bên cạnh Trung Hoa, chia sẻ cùng đất nước Trung Quốc các giá trị Văn hóa phổ quát cũng như Lịch sử và Di truyền của tổ tiên.
Quyển sách 'Khảo chứng tiền sử Việt Nam' dành một phần không nhỏ để dịch nhiều thiên cổ thư Trung Hoa liên quan đến cổ sử Việt Nam...
(TTD)
Comments
Post a Comment